MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 11/2019

TriLaw trân trọng giới thiệu đến Quý khách hàng nội dung tóm tắt một số quy định pháp luật bắt đầu có hiệu lực trong tháng 11/2019:

  1. Nghị định mới về tổ hợp tác;

  2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may và biện pháp tự vệ chuyển tiếp để thực thi Hiệp định CPTTP;

  3. Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm;

  4. Tăng gấp đôi mức vay và thời hạn vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm;

  5. Cách xác định thời điểm nộp hồ sơ thuế điện tử;

  6. Hướng dẫn nội dung của hoá đơn điện tử.

Và một số vấn đề đáng chú ý:

  1. Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần II – cơ hội cho các doanh nghiệp Việt;

  2. HOREA kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về condotel.

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 11/2019

1. Ban hành Nghị định mới về tổ hợp tác:

Nghị định 77/2019/NĐ-CP về tổ hợp tác có một số điểm mới đáng chú ý như sau:

  • Pháp nhân có thể trở thành thành viên của tổ hợp tác:

Từ ngày 25/11/2019, hình thành tổ hợp tác chỉ cần từ 02 cá nhân, pháp nhân trở lên thay vì tối thiểu 03 cá nhân như quy định cũ tại Nghị định 151/2007/NĐ-CP.

  • Có nhiều nội dung mới về hợp đồng hợp tác, điển hình là:

Hợp đồng hợp tác do các thành viên tổ hợp tác tự thỏa thuận, được lập thành văn bản, có chữ ký của 100% thành viên tổ hợp tác.

Thời hạn hợp tác là thời gian các thành viên tổ hợp tác thỏa thuận hợp tác với nhau và ghi trong hợp đồng hợp tác. Trường hợp các bên không thỏa thuận thời hạn hợp tác thì thời hạn hợp tác kết thúc khi chấm dứt hợp đồng hợp tác.

2. Áp dụng biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may và biện pháp tự vệ chuyển tiếp để thực thi Hiệp định CPTTP:

Theo Thông tư 19/2019/TT-BCT quy định về áp dụng các biện pháp tự vệ đặc biệt để thực thi Hiệp định CPTPP:

Biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may được áp dụng dưới hình thức tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất ưu đãi có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực, tùy mức thuế suất nào thấp hơn.

Biện pháp tự vệ chuyển tiếp được áp dụng gồm:

  • Đình chỉ việc tiếp tục giảm thuế suất theo quy định của Hiệp định đối với hàng hóa bị điều tra;

  • Tăng thuế suất đối với hàng hóa đó nhưng không vượt quá thuế suất ưu đãi có hiệu lực tại thời điểm áp dụng biện pháp này hoặc thuế suất ưu đãi có hiệu lực vào ngày liền trước ngày Hiệp định có hiệu lực, tùy mức thuế suất nào thấp hơn.

3. Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Kinh doanh bảo hiểm:

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ có một số điểm đáng chú ý như sau:

  • Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý ngoài được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì còn được xác lập theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Sáng chế không bị coi là mất tính mới nếu được bộc lộ công khai với điều kiện đơn đăng ký sáng chế được nộp tại Việt Nam trong thời hạn 12 tháng (thay vì 6 tháng) kể từ ngày bộc lộ bởi: (i) người có quyền đăng ký hoặc (ii) người có được thông tin về sáng chế một cách trực tiếp hoặc gián tiếp từ người có quyền đăng ký (thay vì 3 trường hợp trong quy định cũ).

  • Bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm:

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được định nghĩa là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm, do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Theo Nghị định 80/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 73/2016/NĐ-CP và Nghị định 98/2013/NĐ-CP, cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm khi cung cấp dịch vụ này như sau:

  • Không giữ bí mật thông tin khách hàng hoặc sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích hoặc cung cấp thông tin cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định pháp luật;

  • Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đó thực hiện thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm;

  • Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được lập bằng văn bản;…

4. Tăng gấp đôi mức vay và thời hạn vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm:

Đây là một trong những nội dung của Nghị định 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó:

Mức vay ưu đãi tối đa để hỗ trợ tạo việc làm như sau:

  • Đối với người lao động là 100 triệu đồng;

  • Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức vay 01 dự án tối đa là 02 tỷ đồng và không quá 100 triệu đồng cho 01 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm.

  • Thời hạn vay vốn không quá 120 tháng. 

5. Cách xác định thời điểm nộp hồ sơ thuế điện tử:

Thông tư 66/2019/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số nội dung nổi bật về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Theo đó, cách xác định thời điểm nộp hồ sơ thuế điện tử được quy định như sau:

Loại hồ sơ/chứng từ

Thời điểm nộp hồ sơ là ngày ghi trên

Hồ sơ đăng ký thuế điện tử

Thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuế điện tử

Hồ sơ khai thuế điện tử

Thông báo chấp nhận hồ sơ khai thuế điện tử

Chứng từ nộp thuế điện tử

Thông báo tiếp nhận chứng từ nộp thuế điện tử

Hồ sơ hoàn thuế điện tử

Thông báo chấp nhận hồ sơ hoàn thuế điện tử

6. Hướng dẫn nội dung của hoá đơn điện tử:

Theo Thông tư 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử, nội dung của hóa đơn điện tử gồm có:

  • Tên hóa đơn, ký hiệu hóa đơn, ký hiệu mẫu số hóa đơn, số hóa đơn;

  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán;

  • Tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua (nếu người mua có mã số thuế);

  • Tên, đơn vị tính, số lượng, đơn giá hàng hóa, dịch vụ; thành tiền chưa có thuế giá trị gia tăng, thuế suất thuế giá trị gia tăng, tổng số tiền thuế giá trị gia tăng theo từng loại thuế suất, tổng cộng tiền thuế giá trị gia tăng, tổng tiền thanh toán đã có thuế giá trị gia tăng;

  • Chữ ký số, chữ ký điện tử của người bán và người mua;

  • Thời điểm lập hóa đơn điện tử;

  • Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế;

  • Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, chiết khấu thương mại, khuyến mại (nếu có) và các nội dung khác liên quan (nếu có).

VẤN ĐỀ ĐÁNG CHÚ Ý

1. HỘI CHỢ NHẬP KHẨU QUỐC TẾ TRUNG QUỐC LẦN II – CƠ HỘI CHO CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT

Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ hai (CIIE 2019) đã chính thức khai mạc vào ngày 05/11 vừa qua tại Thành phố Thượng Hải, Trung Quốc với gần 3.900 doanh nghiệp tham gia. Đây là hội chợ được Chính phủ Trung Quốc tổ chức thường niên và là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng đối với Trung Quốc. Và đối với Việt Nam, Hội chợ này chính là công cụ để Việt Nam chủ động tìm kiếm cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tăng độ phủ sóng của hàng hóa Việt Nam.

Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ, Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí gian hàng; 100% chi phí trang trí tổng thể khu trưng bày của doanh nghiệp Việt Nam tại Hội chợ; 100% chi phí liên quan đến thông tin tuyên truyền xuất khẩu, mời khách đến tham quan và giao dịch tại Hội chợ. Và tại Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ hai này, Việt Nam có hơn 30 doanh nghiệp do đoàn công tác VCCI do Phó Chủ tịch Võ Tân Thành dẫn đầu đã tham gia trưng bày sản phẩm hàng hóa thuộc các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, đồ uống, hải sản, công nghệ... tại gian hàng Việt Nam với quy mô hơn 400m2, gấp đôi so với năm 2018.

Đây là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển và đứng vững hơn. Mong rằng trong tương lai, các sản phẩm đến từ Việt Nam sẽ có độ phủ sóng rộng lớn và dày đặc hơn.

2. HOREA KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ CONDOTEL

Các chủ đầu tư đưa ra những “miếng mồi” đối với khách mua condotel như “Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel và quyền sử dụng đất ổn định lâu dài”, lợi nhuận rất cao, phổ biến từ 8-15%/năm,… Tuy nhiên, sau sự việc chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng thông báo ngừng thực hiện chi trả lợi nhuận 12%/năm cho khách hàng đã mua căn hộ du lịch (condotel) từ ngày 31-12-2019, các khách hàng condotel đã mua dự án này nói riêng và người mua trong thị trường này nói chung đã có nhiều hoang mang, lo lắng.

Đầu tháng 12, 2019, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã gửi văn bản đề nghị hoàn thiện cơ sở pháp lý để phát triển minh bạch, lành mạnh, bền vững hoạt động này, như việc xác định cụ thể đất du lịch là một loại đất phi nông nghiệp; áp dụng chế độ sử dụng đất có thời hạn tối đa 50 năm (trường hợp đặc biệt không quá 70 năm); người mua sản phẩm condotel trong các dự án du lịch nghỉ dưỡng được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn theo thời hạn của dự án; các hành vi có liên quan đến condotel hình thành trong tương lai, như đặt cọc, hứa mua hứa bán, góp vốn đầu tư, hợp tác đầu tư; phương thức tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; yêu cầu chủ đầu tư phải có trách nhiệm công bố đầy đủ thông tin về dự án, các biện pháp bảo đảm thực hiện cam kết lợi nhuận theo hợp đồng mua bán căn hộ condotel .v.v.

Các quy định pháp luật cần sớm được ban hành nhằm tạo hành lang pháp lý phát triển condotel minh bạch, lành mạnh và bền vững, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước hiệu quả đối với hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh các dự án du lịch nghỉ dưỡng.

                     

Liên hệ Trilaw