RỦI RO PHÁP LÝ TRONG SOẠN THẢO HỢP ĐỒNG

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng nhằm tạo cơ sở cho việc thực hiện một giao dịch cụ thể trong cuộc sống nói chung và trong kinh doanh thương mại nói riêng. Do nhiều lý do, việc soạn thảo hợp đồng đôi lúc vẫn còn một số thiếu sót, chưa chặt chẽ về mặt pháp lý hoặc chưa được quan tâm đúng mức. Điều đó có thể dẫn tới các rủi ro khiến cho hợp đồng vô hiệu hoặc gây khó khăn trong việc thực thi hợp đồng.

Trong phạm vi bài viết này, tác giả xin đề cập đến 2 rủi ro cơ bản thường gặp phải trong quá trình soạn thảo hợp đồng, đó là: Rủi ro về hiệu lực của hợp đồng và Rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, không rõ ràng.

  1. Rủi ro về hiệu lực của hợp đồng
  1. Hợp đồng có thể bị vô hiệu về mặt hình thức

Theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng có thể được xác lập bằng lời nói, bằng văn bản hay bằng hành vi pháp lý cụ thể. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, để bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế trong các giao dịch cũng như đảm bảo tính pháp lý trong các giao dịch có giá trị lớn và thời gian thực hiện kéo dài, pháp luật quy định điều kiện về hình thức của hợp đồng để hợp đồng có hiệu lực pháp luật. Cụ thể, trong một số trường hợp, hợp đồng phải được lập thành văn bản; hoặc sau khi lập thành văn bản phải được công chứng, chứng thực; hoặc một số hợp đồng bắt buộc phải đăng ký trước khi thực hiện. Nếu không tuân thủ điều kiện về hình thức thì hợp đồng có thể bị vô hiệu, khi đó toàn bộ hợp đồng không có giá trị pháp lý và các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận, đồng thời có khả năng phải bồi thường thiệt hại liên quan.

Vậy, những hình thức để hợp đồng có hiệu lực được quy định cụ thể như thế nào?

  1. Thứ nhất, về quy định những hợp đồng phải được lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương (điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật)

Những loại hợp đồng phải lập bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương được quy định cụ thể tại Bộ Luật Dân sự 2015 và các Luật chuyên ngành. Xin nêu ra một số loại hợp đồng thông dụng như sau:

  • Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Điều 27.2 Luật Thương mại 2005);
  • Hợp đồng xây dựng (Điều 138.1 Luật Xây dựng 2014);
  • Hợp đồng lao động, trừ các hợp đồng lao động với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng  (Điều 16 Bộ Luật lao động 2012);
  • Và một số hợp đồng khác
  1. Thứ hai, quy định về hợp đồng phải công chứng, chứng thực

Tương tự như hình thức trên, những loại hợp đồng phải công chứng, chứng thực cũng được quy định cụ thể tại Bộ Luật Dân sự 2015 và các Luật chuyên ngành. Một số hợp đồng thông dụng như sau:

  • Hợp đồng mua bán nhà ở, trừ trường hợp mua, bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua, bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư (Điều 122 Luật Nhà ở 2014);
  • Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức sự kiện hoạt động kinh doanh bất động sản (Điều 167.3 Luật Đất đai 2013);

  • Hợp đồng góp vốn bằng nhà ở, trừ trường hợp một bên trong hợp đồng là tổ chức (Điều 122 Luật Nhà ở 2014);
  • Và một số hợp đồng khác.
  1. Thứ ba, quy định về hợp đồng phải đăng ký

Đăng ký hợp đồng là một trong những điều kiện về hình thức để hợp động có hiệu lực. Theo quy định của pháp luật hiện hành, những hợp đồng cung cấp các hàng hóa, dịch vụ sau đây bắt buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở Công Thương hoặc Cục Quản Lý Cạnh Tranh thuộc Bộ Công Thương:

  • Cung cấp điện sinh hoạt;
  • Cung cấp nước sinh hoạt;
  • Truyền hình trả tiền;
  • Dịch vụ điện thoại cố định mặt đất;
  • Dịch vụ thông tin di động mặt đất (hình thức thanh toán: trả sau);
  • Dịch vụ truy nhập internet;
  • Vận chuyển hành khách đường hàng không;
  • Vận chuyển hành khách đường sắt;
  • Mua bán căn hộ chung cư, các dịch vụ sinh hoạt do đơn vị quản lý khu chung cư cung cấp;
  • Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) (đây là dịch vụ mới được quy định trong Quyết định số 38/2018/QĐ-TTg sẽ có hiệu lực ngày 22/10/2018).

Mặc dù pháp luật có quy định hợp đồng không tuân thủ quy định về mặt hình thức thì sẽ bị vô hiệu, tuy nhiên cũng có ngoại lệ như sau: trong trường hợp hợp đồng không được xác lập bằng văn bản hay không được công chứng, chứng thực trong trường hợp pháp luật có yêu cầu thì căn cứ vào yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp các bên đã thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong hợp đồng. Mặc dù vậy, rủi ro vẫn tồn tại ở chỗ hiện chưa có văn bản hướng dẫn như thế nào là thực hiện được ít nhất hai phần ba nghĩa vụ. Do đó, tốt nhất, nên đảm bảo tuân thủ quy định về mặt hình thức của hợp đồng ngay khi ký kết hợp đồng để tránh những rủi ro vừa nêu.

  1. Hợp đồng có thể bị vô hiệu về mặt nội dung

Trong trường hợp nội dung của hợp đồng vi phạm quy định của pháp luật thì hợp đồng đó cũng sẽ bị tuyên là vô hiệu. Cần lưu ý một số trường hợp thường gặp dẫn đến hợp đồng bị vô hiệu như sau:

  1. Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật

Theo quy định tại Điều 123 Bộ Luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của “luật” thì vô hiệu. Đây là điểm mới so với quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005, cụ thể, theo Bộ Luật Dân sự 2005, giao dịch dân sự sẽ vô hiệu do vi phạm điều cấm của “pháp luật”. Một số ví dụ bề hợp đồng vi phạm điều cấm của luật:

  • Hợp đồng cho thuê chung cư nhằm mục đích làm trụ sở công ty (vi phạm điều cấm tại Điều 6.11 Luật Nhà ở 2014);
  • Hợp đồng nhập khẩu hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu (theo quy định tại Phụ lục I Nghị định 69/2018/NĐ-CP)

 

Bên cạnh những hợp đồng có mục đích và nội dung vi phạm luật dẫn đến vô hiệu toàn bộ thì cũng có những hợp đồng chỉ vô hiệu từng phần do chỉ có một phần nội dung của hợp đồng vô hiệu mà không ảnh hưởng đến hiệu lực các phần còn lại. Ví dụ như trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hai bên thỏa thuận nếu có tranh chấp sẽ giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam bên cạnh phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VIAC). Theo quy định tại Điều 26.9 Bộ Luật tố tụng dân sự 2015 thì tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Do đó, điều khoản giải quyết tranh chấp của hai bên bị vô hiệu, tuy nhiên hợp đồng chỉ vô hiệu một phần mà không vô hiệu toàn bộ.

  1. Hợp đồng vô hiệu do chủ thể ký kết hợp đồng không có thẩm quyền hoặc vượt quá phạm vi ủy quyền

Đây là rủi ro phổ biến dẫn đến việc hợp đồng vô hiệu. Các bên trong hợp đồng khi tự mình đàm phán và ký kết hợp đồng thường không kiểm tra kỹ về thẩm quyền ký kết hợp đồng của bên còn lại. Điều đó tiềm ẩn một số rủi ro sau:

  • Chủ thể ký kết hợp đồng không có thẩm quyền

Thẩm quyền ký kết hợp đồng phụ thuộc vào quy định của pháp luật và của nội bộ doanh nghiệp. Khi soạn thảo và rà soát hợp đồng cần tìm hiểu kỹ về năng lực ký kết hợp đồng của đối tác, tránh dẫn đến việc giao kết hợp đồng với chủ thể không có thẩm quyền.

  • Chủ thể ký kết hợp đồng vượt quá phạm vi đại diện

Trong một số trường hợp, mặc dù chủ thể ký kết hợp đồng đã được người có thẩm quyền ủy quyền hợp pháp để ký kết hợp đồng, tuy nhiên giao dịch đó chưa hẳn là an toàn pháp lý. Lý do là vì chủ thể ký kết hợp đồng đã vượt quá phạm vi đại diện.

Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện được quy định cụ thể tại Điều 143 Bộ Luật Dân sự 2015. Theo đó, giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện sẽ không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ một trong các trường hợp (i) người được đại diện đồng ý; (ii) người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý và (iii) người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện.

  1.  Rủi ro từ việc soạn thảo các điều khoản không chặt chẽ, không rõ ràng

Việc sử dụng hợp đồng mẫu hay việc tự soạn thảo hợp đồng mà không nắm rõ các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến hậu quả là quyền và nghĩa vụ của các bên không được quy định rõ trong hợp đồng, nhiều trường hợp làm giảm tính khả thi của hợp đồng khi thực hiện trên thực tế, thậm chí dẫn đến tranh chấp sau này. Bên cạnh các điều khoản cơ bản của hợp đồng, khi soạn thảo và rà soát hợp đồng, cần lưu ý tới những điều khoản sau đây:

  • Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
  • Chế tài áp dụng trong trường hợp các bên vi phạm hợp đồng;
  • Quy định về trường hợp bất khả kháng;
  • Quy định bảo mật thông tin;
  • Điều khoản tiên quyết trong các trường hợp thay đổi quy định của pháp luật;
  • Điều khoản giải quyết tranh chấp;
  • Điều khoản về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;
  • Điều khoản về chống cạnh tranh.

Từ những phân tích trên có thể thấy rằng, chỉ một lỗi nhỏ trong soạn thảo hợp đồng cũng  có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của các bên sau này, bao gồm nhưng không giới hạn ở việc hợp đồng bị vô hiệu, mất thời gian giải quyết tranh chấp, tốn kém chi phí vào các thủ tục tố tụng, mất uy tín khi tranh chấp bị công khai,…. Bạn có thể tự soạn thảo và rà soát hợp đồng nhưng đừng để những rủi ro tiềm ẩn trong hợp đồng trói chân chính bạn. Sự hỗ trợ của luật sư có chuyên môn có thể giúp bạn đẩy lùi hoặc hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro và đảm bảo an toàn về mặt pháp lý cho hợp đồng nói riêng và cho hoạt động của doanh nghiệp nói chung.

Luật sư Phạm Minh Hoàng (VPLS TriLaw)

Liên hệ Trilaw