VĂN BẢN KỲ 02/2018

BẢN TIN VĂN BẢN MỚI

Tóm tắt một số văn bản mới được ban hành tính đến ngày 23/4/2018:

  1. Người bán hàng đa cấp được trả lại hàng trong 30 ngày;
  2. 3 biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa;
  3. Miễn phí đào tạo lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
  4. Hỗ trợ vốn 5 năm cho DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo;
  5. Tẩy xóa chứng từ kế toán bị phạt đến 5 triệu đồng;
  6. Thủ tướng ra chỉ thị hỏa tốc về quản lý Bitcoin và các loại tiền ảo;
  7. Kế toán được hưởng phụ cấp trách nhiệm hàng tháng;
  8. Sở Giao dịch hàng hóa phải có vốn điều lệ từ 150 tỷ

 

NỘI DUNG CHÍNH CỦA VĂN BẢN

 

  1. NGƯỜI BÁN HÀNG ĐA CẤP ĐƯỢC TRẢ LẠI HÀNG TRONG 30 NGÀY

Ngày 12/03/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Theo đó, người tham gia bán hàng đa cấp có quyền trả lại hàng hóa đã mua từ doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bao gồm cả hàng hóa được mua theo chương trình khuyến mại, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Tổng giá trị hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác, bao gồm cả lợi ích được hưởng theo chương trình khuyến mại, trả cho người tham gia bán hàng đa cấp trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu bán hàng đa cấp trong năm đó của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm mở tài khoản ký quỹ và ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng không thấp hơn 10 tỷ đồng tại một ngân hàng thương mại hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Khoản tiền ký quỹ được ngân hàng phong tỏa trong suốt thời gian hoạt động của doanh nghiệp.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 02/05/2018

 

  1. 3 BIỆN PHÁP CHỐNG GIAN LẬN XUẤT XỨ HÀNG HÓA

Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa đã được Chính phủ ban hành ngày 08/03/2018.

Nghị định này quy định, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể áp dụng các biện pháp chống gian lận xuất xứ đối với 03 trường hợp:

Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong 03 tháng, kể từ lần đầu tiên thương nhân đăng tải các thông tin, dữ liệu không liên quan đến cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử.

Tạm dừng cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong 06 tháng, kể từ ngày phát hiện thương nhân sử dụng chứng từ giả hoặc kê khai gian lận khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp và tạm dừng cấp trong 06 tháng kể từ ngày thương nhân không hợp tác, không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ hoặc cung cấp sai thông tin chứng minh xuất xứ hàng hóa khi cơ quan, tổ chức cáp Giấy chứng nhận tiến hành hậu kiểm.

Ngoài các biện pháp chống gian lận xuất xứ nêu trên, cơ quan, tổ chức cấp Giấy chứng nhận có thể áp dụng chế độ luồng đỏ trong hệ thống quản lý rủi ro đối với thương nhân và công bố trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 08/03/2018.

 

  1. MIỄN PHÍ ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Ngày 11/03/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị định này chỉ rõ, doanh nghiệp nhỏ và vừa khi cử lao động tham gia khóa đào tạo trình độ sơ cấp hoặc chương trình đào tạo dưới 03 tháng thì được miễn chi phí đào tạo. Các chi phí còn lại do doanh nghiệp nhỏ và vừa và người lao động thỏa thuận.

Để được miễn chi phí đào tạo, người lao động phải đáp ứng các điều kiện sau: Đã làm việc trong doanh nghiệp nhỏ và vừa tối thiểu 06 tháng liên tục; Không quá 50 tuổi đối với nam và 45 tuổi đối với nữ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến được hỗ trợ 50% tổng chi phí của một khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp nhưng không quá 01 lần một năm. Khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp có tối thiểu 10 học viên.

Cũng theo Nghị định này, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính theo quy định chuyên ngành) thuộc mạng lưới tư vấn viên. Trong đó, doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 03 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp nhỏ được giảm 30% nhưng không quá 05 triệu đồng/năm; Doanh nghiệp vừa được giảm 10% nhưng không quá 10 triệu đồng/năm.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

 

  1. HỖ TRỢ VỐN 5 NĂM CHO DN NHỎ VÀ VỪA KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO

Nghị định 38/2018/NĐ-CP quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đã được Chính phủ ban hành ngày 11/03/2018.

Theo Nghị định này, căn cứ vào điều kiện ngân sách địa phương, UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp giao cho tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương có chức năng đầu tư tài chính để thực hiện đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

Doanh nghiệp nhận đầu tư từ tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương là doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo đáp ứng các tiêu chí: Hoạt động trong các lĩnh vực mà địa phương ưu tiên phát triển; Phải được ít nhất một trong các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo lựa chọn để đầu tư.

Định kỳ hàng quý, tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương cập nhật, công bố danh sách các doanh nghiệp nhận đầu tư trên Cổng thông tin điện tử của tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương và của UBND cấp tỉnh.

Khoản vốn đầu tư từ tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương cho một doanh nghiệp nhận đầu tư không quá 30% tổng vốn đầu tư mà doanh nghiệp đó huy động được từ các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cùng đầu tư.

Thời hạn đầu tư từ ngân sách địa phương tối đa là 05 năm, từ thời điểm đầu tư.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

 

  1. TẨY XÓA CHỨNG TỪ KẾ TOÁN BỊ PHẠT ĐẾN 5 TRIỆU ĐỒNG

Nghị định số 41/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập đã được Chính phủ ban hành ngày 12/03/2018.

Nghị định này chỉ rõ, phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định; Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán bằng mực màu đỏ, mực phai màu; Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn; Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên…

Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi như: Lập chứng từ kế toán không đủ số liên theo quy định của mỗi loại chứng từ kế toán; Ký chứng từ kế toán không đúng thẩm quyền; Chữ ký của một người không thống nhất hoặc không đúng với sổ đăng ký mẫu chữ ký; Chứng từ kế toán không có đủ chữ ký theo chức danh theo quy định…

Cũng theo Nghị định này, hành vi lập sổ kế toán không ghi rõ tên đơn vị kế toán; Sổ kế toán không ghi bằng bút mực, ghi xen thêm vào phía trên hoặc phía dưới, ghi chồng lên nhau, ghi không cách dòng; Không đóng thành quyển sổ riêng cho từng kỳ kế toán hoặc không có đầy đủ chữ ký và đóng dấu theo quy định sau khi in ra giấy bị phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/05/2018.

 

  1. THỦ TƯỚNG RA CHỈ THỊ HỎA TỐC VỀ QUẢN LÝ BITCOIN VÀ CÁC LOẠI TIỀN ẢO

Ngày 11/04/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác.

Tại Chỉ thị này, Thủ tướng nhận định hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và rủi ro rất lớn cho người tham gia.

Không thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; Tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan đến tiền ảo; Phối hợp với Bộ Công an phát hiện, xử lý các hành vi sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Hạn chế nhập khẩu thiết bị, máy móc dùng đảo tiền ảo

Bộ Tài chính chỉ đạo công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; Hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Đồng thời, Bộ này có trách nhiệm nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo.

Kịp thời xử lý vi phạm liên quan đến đầu tư tiền ảo

Bộ Công an được giao trách nhiệm phát hiện kịp thời, xử lý kịp thời các vi phạm liên quan đến hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.

Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kịp thời, chính xác về những rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc người dân tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tiền ảo. Không đưa các thông tin gây tâm lý bất lợi về tiền ảo, Bitcoin…

 

  1. KẾ TOÁN ĐƯỢC HƯỞNG PHỤ CẤP TRÁCH NHIỆM HÀNG THÁNG

Thông tin này được Bộ Nội vụ công bố tại Thông tư 04/2018/TT-BNV ngày 27/03/2018 hướng dẫn thẩm quyền, thủ tục bổ nhiệm, phụ cấp trách nhiệm công việc của kế toán trưởng, người phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán trong lĩnh vực kế toán Nhà nước.

Theo đó, người được bổ nhiệm làm kế toán trong đơn vị chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; trong đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn sẽ được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hàng tháng 0,1 so với mức lương cơ sở.

Kế toán trưởng tại Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan hải quan; cơ quan Nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc hàng tháng 0,2 so với mức lương cơ sở.

Thông tư này được có hiệu lực từ ngày 15/05/2018.

 

  1. SỞ GIAO DỊCH HÀNG HÓA PHẢI CÓ VỐN ĐIỀU LỆ TỪ 150 TỶ

Một số điều của Nghị định 158/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa đã được Chính phủ sửa đổi, bổ sung ngày 09/04/2018 tại Nghị định 51/2018/NĐ-CP.

Theo đó, Sở Giao dịch hàng hóa được thành lập nếu: Có vốn điều lệ từ 150 tỷ đồng trở lên; Có hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu về giải pháp công nghệ và kỹ thuật trong hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa như hệ thống phần mềm có chức năng nhật ký thao tác để lưu vết mọi giao dịch, thanh toán, giao nhận trong quy trình nghiệp vụ tối thiểu trong 05 năm…

Nhà đầu tư nước ngoài được phép góp vốn thành lập Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam; mua cổ phần, phần vốn góp của Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam với tỷ lệ không quá 49% vốn điều lệ.

Thành viên môi giới của Sở Giao dịch hàng hóa phải có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên. Riêng thành viên kinh doanh phải có vốn điều lệ từ 75 tỷ đồng trở lên.

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/06/2018.

 

Ghi chú: Để biết thêm chi tiết hoặc để nhận toàn bộ nội dung các văn bản, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau:

VĂN PHÒNG LUẬT SƯ TRILAW

L12-13, tầng 12, Toà nhà Vincom Center, 72 Lê Thánh Tôn, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM, Việt Nam

Điện thoại: (84-8) 35210217 / Fax: : (84-8) 35210218

Người liên hệ: Ls. Phạm Minh Hoàng – 0908186836

Liên hệ Trilaw