XỬ LÝ LẤN CHIẾM VỈA HÈ: TẠM GIỮ PHƯƠNG TIỆN LÀ TRÁI QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT?

Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 76, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt hành vi vi phạm hành chính. Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện. Trường hợp người điều khiển phương tiện không chấp hành quyết định xử phạt thay cho chủ phương tiện thì người có thẩm quyền xử phạt tiến hành tạm giữ phương tiện để bảo đảm cho việc xử phạt đối với chủ phương tiện.

Hơn nữa, việc đậu xe trên vỉa hè cũng không thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện theo quy định tại Điều 78, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016. Theo đó, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ xe ô tô đến 7 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi sau:

         Điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn;

         Điều khiển ô tô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường; người vi phạm mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông;

         Người điều khiển ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy;

         Điều khiển ô tô không có Giấy đăng ký xe, không có biển số; không đủ kiều kiện an toàn kỹ thuật;

         Người điều khiển xe ô tô Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng dưới 6 tháng;

         Không chấp hành việc kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe khi có tín hiệu, hiệu lệnh yêu cầu kiểm tra tải trọng, khổ giới hạn xe; chuyển tải hoặc dùng các thủ đoạn khác  để trốn tránh việc phát hiện xe chở quá tải, quá khổ.

Như vậy, trong trường hợp chủ xe có mặt khi xử lý vi phạm thì cơ quan có thẩm quyền chỉ được lập biên bản xử phạt hành chính mà thôi. Việc tạm giữ xe và cẩu về đồn là trái quy định của pháp luật.

Trong trường hợp bị tạm giữ phương tiện trái pháp luật và đã có quyết định xử phạt hành chính, chủ phương tiện có quyền khiếu nại quyết định hành chính đó đến người đã ra quyết định hoặc có thể khởi kiện tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu hủy quyết định hành chính trái pháp luật và yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có).

Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Thời hiệu khởi kiện là 01 năm kể từ ngày nhận được hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Đăng Tư (VPLS TriLaw) 

Liên hệ Trilaw