Ý kiến luật sư về việc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam đột ngột ngưng đặt hàng từ các doanh nghiệp dệt may Việt Nam

 

Sự việc Central Group Việt Nam (thuộc Tập đoàn Central Group của Thái Lan - chủ sở hữu hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam) đột ngột gửi thông báo đến các nhà cung cấp sản phẩm may mặc tại Việt Nam (“Các nhà cung cấp”) với nội dung sẽ tạm ngưng đặt hàng kể từ tháng 7 năm 2019. Vấn đề đặt ra là: liệu với việc Central Group Việt Nam đột ngột ra thông báo tạm ngưng thực hiện hợp đồng như trên thì có khả năng vi phạm các nguyên tắc của pháp luật thương mại hoặc các quy định pháp luật về cạnh tranh hay không?

 

 

Dưới đây là những ý kiến của các luật sư có nhiều kinh nghiệm trong nghề tại TriLaw xoay quanh vấn đề này.

Theo văn bản thông báo đề ngày 02/07/2019 của Central Group Việt Nam thì việc hợp tác giữa 02 bên (thực chất là quan hệ mua bán) được thực hiện trên cơ sở Hợp Đồng Hợp Tác Thương Mại ký kết giữa Central Group Việt Nam và Các nhà cung cấp. Đây rõ ràng là quan hệ về kinh doanh thương mại nên chịu sự điều chỉnh của Luật Thương mại năm 2005 của Việt Nam. Điều cần lưu ý là theo nội dung của thông báo nêu trên thì Central Group Việt Nam thông báo sẽ tạm ngưng việc đặt hàng kể từ tháng 7 năm 2019 chứ không phải thông báo về việc chấm dứt hợp đồng.

Theo Điều 308 Luật Thương mại năm 2005 thì việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng được thực hiện trong các trường hợp sau đây:

“1. Xảy ra hành vi vi phạm mà các bên đã thoả thuận là điều kiện để tạm ngừng thực hiện hợp đồng;

2. Một bên vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng”.

Trong trường hợp này, theo nhận định của TriLaw thì khả năng Các nhà cung cấp “vi phạm cơ bản nghĩa vụ hợp đồng” dẫn đến việc bị bên mua là Central GroupViệt Nam tạm ngưng thực hiện hợp đồng gần như là không có, vì trong thông báo của Central Group Việt Nam không đề cập đến lý do này.

Ngoài ra, về việc thông báo khi tạm ngừng thực hiện hợp đồng, Điều 315 Luật Thương mại năm 2005 có quy định: “Bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc tạm ngừng, đình chỉ hoặc huỷ bỏ hợp đồng. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên tạm ngừng thực hiện hợp đồng, đình chỉ thực hiện hợp đồng hoặc huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại”. Trong trường hợp này, nhận thấy đến ngày 02/7/2019 Central Group Việt Nam mới ban hành văn bản gửi cho Các nhà cung cấp để thông báo về việc sẽ tạm ngưng đặt hàng từ tháng 7 năm 2019 (sẽ được hiểu là tạm ngưng từ ngày 01/7/2019) là không hợp lý. Xét ở gốc độ lô-gic về mặt thời gian, có cơ sở để cho rằng Central Group Việt Nam đã vi phạm nghĩa vụ trong việc “thông báo ngay” cho Các nhà cung cấp về việc sẽ tạm ngưng thực hiện hợp đồng.

Về hậu quả pháp lý của việc tạm ngừng thực hiện hợp đồng, khoản 2 Điều 309 Luật Thương mại năm 2005 có quy định: “Bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật này”. Chiếu theo điều luật này, Các nhà cung cấp có thể khởi kiện yêu cầu Central Group Việt Nam phải bồi thường thiệt hại (với điều kiện là phải chứng minh được các thiệt hại của mình).

Về khía cạnh cạnh tranh, có thể thấy rằng việc hệ thống siêu thị Big C tạm ngưng đặt hàng đối với hàng loạt nhà cung cấp là các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam có thể là bước mở đầu để loại dần hàng Việt Nam ra khỏi hệ thống siêu thị Big C, mở đường cho việc đưa hàng hóa của các nước khác (mà chủ yếu là hàng Thái Lan) xâm nhập và thống lĩnh tại hệ thống siêu thị này. Hành động này có dấu hiệu của “hành vi cạnh tranh không lành mạnh”, bởi lẽ theo quy định tại khoản 6 Điều 3 Luật Cạnh tranh năm 2018 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2019) thì hành vi cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của doanh nghiệp trái với nguyên tắc thiện chí, trung thực, tập quán thương mại và các chuẩn mực khác trong kinh doanh, gây thiệt hại hoặc có thể gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp khác.

Trong trường hợp này, ngoài việc khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại như phân tích ở trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam có thể thực hiện việc khiếu nại đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia để yêu cầu giải quyết vụ việc.

Xem thêm; Gói tư vấn pháp luật thường xuyên, Giải quyết tranh chấp bằng trong tài thương mại.

Liên hệ Trilaw