Các trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là thủ tục bắt buộc khi nhà đầu tư thay đổi nội dung trong dự án đầu tư của mình. Trong chuyên mục tư vấn pháp luật đầu tư kỳ này, TriLaw sẽ giải thích hiểu những trường hợp nào bắt buộc phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và những trường hợp nào không bắt buộc.

I. Các trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Theo Luật Đầu tư 2014, nhà đầu tư bắt buộc phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong các trường hợp sau:

  • Thay đổi mã số dự án đầu tư;
  • Thay đổi tên, địa chỉ nhà đầu tư;
  • Thay đổi tên dự án đầu tư;
  • Thay đổi địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng trong dự án đầu tư;
  • Thay đổi về mục tiêu, quy mô dự án;
  • Thay đổi vốn đầu tư của dự án (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), tiến độ góp vốn và huy động nguồn vốn;
  • Thay đổi thời gian hoạt động của dự án;
  • Thay đổi tiến độ thực hiện dự án đầu tư: tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động (nếu có); tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động, hạng mục chủ yếu của dự án, trường hợp dự án thực hiện theo từng giai đoạn, phải quy định mục tiêu, thời hạn, nội dung hoạt động của từng giai đoạn;
  • Ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có);
  • Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án (nếu có).

II. Các trường hợp không phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư:

Theo các luật sư chuyên về tư vấn pháp luật đầu tư của TriLaw cho biết, các trường hợp không phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định cụ thể như sau:

i. Doanh nghiệp trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình tổ chức kinh tế sẽ không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định tại Khoản 5 Điều 38 Nghị định 118/NĐ-CP:

“Đối với dự án đầu tư không thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh nhà đầu tư theo quy định tại các Khoản 3 và Khoản 4 Điều này. Việc chuyển quyền sở hữu tài sản cho nhà đầu tư tiếp nhận dự án đầu tư sau khi tổ chức lại thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về doanh nghiệp và pháp luật có liên quan.”

ii. Trường hợp nhà đầu tư không phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài được quy định tại Điều 6 Thông tư 03/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn và ban hành mẫu văn bản thực hiện thủ tục đầu tư ra nước ngoài do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư ban hành, theo đó:

“Nhà đầu tư là tổ chức không phải thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài đối với các trường hợp thay đổi các thông tin ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp nhà đầu tư là tổ chức thay đổi tên, thay đổi mã số doanh nghiệp.

Nhà đầu tư là cá nhân không phải thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài khi thay đổi loại giấy tờ cá nhân hoặc thay đổi số, ngày cấp của giấy tờ cá nhân của mình.”

Trên đây là các trường hợp bắt buộc phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và các trường hợp không bắt buộc. TriLaw hy vọng qua những thông tin chia sẻ trên, nhà đầu tư có thể nhận diện được doanh nghiệp của mình có nằm trong trường hợp phải điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không.

Mọi thắc mắc và câu hỏi xin vui lòng ghi nhận phía dưới hoặc liên hệ qua số hotline của TriLaw: (84.28) 35 210 217 hoặc email info@trilaw.com.vn để được tư vấn trực tiếp

Liên hệ Trilaw