CÁC VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG VĂN 1015 (CẦN NÊU THÊM NGÀY THÁNG VÀ CƠ QUAN BAN HÀNH, VỀ VẤN ĐỀ GÌ)

Hiện nay, trước diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng nghiêm trọng, việc Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch covid-19 (“Chỉ thị 16”) là chủ trương đúng đắn và kịp thời. Tuy nhiên, những quy định của Chỉ thị 16 cũng đồng thời tạo ra những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành, đặc biệt là sự ảnh hưởng đến quá trình lưu thông các phương tiện giao thông vận tải và hàng hóa dịch vụ. Do đó, các Bộ, ngành đã liên tục đưa ra các giải pháp khắc phục những bất cập đang tồn tại. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa có công văn khẩn số 1015/TTg-CN ngày 25/7/2021 về việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch covid-19 (“Công văn 1015”). Theo đó, mục đích của việc ban hành Công văn 1015 được hiểu là để giúp cho việc vận chuyển hàng hoá, dịch vụ thiết yếu được thuận lợi, dễ dàng và khắc phục tình trang ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, chưa rõ vấn đề về giao thông có được giải quyết hay không, nhưng nội dung của Công văn 1015 có thể làm không ít các doanh nghiệp sản xuất, vận chuyển gặp thêm khó khăn, vướng mắc như sau:

1. Công văn 1015 chỉ dành sự ưu tiên cho các hàng hoá thiết yếu, lương thực, thực phẩm nhưng vẫn chưa giải quyết được triệt để các vấn đề liên quan đến việc vận chuyển hàng hoá thiết yếu.

Hiện nay, khái niệm về “hàng hoá, dịch vụ thiết yếu” và “thực phẩm” đã được văn bản quy phạm pháp luật quy định như sau:

  1. Tại khoản 3 điều 4 Luật Giá năm 2012: “Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, bao gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh”. Hơn nữa, tại Điều 15 của Luật Giá năm 2012 có liệu kê tiêu chí của hàng hoá, dịch vụ thiết yếu cho sản xuất, đời sống cũng như đưa ra danh mục hàng hoá, dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên đây là danh mục hàng hoá, dịch vụ để thực hiện bình ổn giá. Do vậy, tuỳ theo từng thời điểm mà Chính phủ sẽ ban hành nghị định để điều chỉnh và hướng dẫn phù hợp.

  1. Khoản 20 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm năm 2010 có quy định về thực phẩm “Thực phẩm là sản phẩm mà con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản. Thực phẩm không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá và các chất sử dụng như dược phẩm”.

Như vậy, trên thực tế đã có văn bản quy phạm pháp luật mô tả chung về hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và thực phẩm là gì. Tuy nhiên, quy định này vẫn còn mang tính chung chung. Điều này dẫn đến thực trạng là mỗi địa phương lại phải dựa theo tình hình kinh tế xã hội đặc thù mà ban hành ra danh mục chi tiết các hàng hoá, dịch vụ thiết yếu riêng. Ví dụ, các nhu yếu phẩm cần thiết theo danh mục của tỉnh Tây Ninh còn có thêm sản phẩm diệt côn trùng, vệ sinh cá nhân, v.v. . Ở Cần Thơ thì còn có thêm bánh mì, bánh bao, bún, hủ tiếu... nằm trong nhóm hàng thực phẩm, là những hàng hoá thiết yếu. Còn một số tỉnh thành phố khác như Tp, Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương chưa có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Việc xác định đâu là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu tại mỗi địa phương vẫn đang còn là một vấn đề khó khăn. Và liệu việc không thống nhất này có gây khó khăn cho việc soát xét hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và thực phẩm tại các điểm giao nhận hàng hoá hay giữa các địa phương hay không? Do đó, để giảm bớt khó khăn và mâu thuẫn, Bộ Công Thương cần sớm ban hành Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để tạo ra sự thống nhất trong cách hiểu giữa các địa phương về vấn đề này.

Thêm vào đó, quy trình cấp Giấy nhận diện phương tiện do Bộ Giao Thông Vận Tải đưa ra tại Công văn 7134/SGTVT-KT ngày 09/07/2021 cũng khá phức tạp. Chủ phương tiện ngoài yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính thì phải thực hiện thủ tục cấp Giấy nhận diện phương tiện (“QR Code”) thông qua cơ quan đầu mối. Cơ quan đầu mối sau đó nộp hồ sơ đến cơ quan giải quyết và quy trình ngược lại để trả kết quả. Như vậy, thời gian sẽ kéo dài, phải xử lý qua nhiều cấp và mỗi lần di chuyển là phải làm lại thủ tục từ đầu. Còn chưa kể, kết quả xét nghiệm âm tính chỉ có giá trị từ 3 đến 7 ngày tuỳ loại. Như vậy thì chủ phương tiện giao thông cùng với các doanh nghiệp vận chuyển vẫn phải gặp nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hoá, dịch vụ thiết yếu này.

2. Vẫn còn nhiều khó khăn cho vận chuyển nguyên vật liệu đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, dịch vụ không thiết yếu

Dựa vào nội dung Công văn 1015, vẫn còn một vấn đề lớn được đặt ra như sau: trong trường hợp hàng hoá, dịch vụ không phải là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thì sẽ xử lý ra sao?

Quy trình cấp mã QR Code tại Công văn 7134/SGTVT-KT vẫn được áp dụng cho việc vận chuyển hàng hoá sản xuất kinh doanh khác. Tuy nhiên, nội dung của Công văn 1015 được hiểu rằng, các hàng hoá không phải thực phẩm, hàng hoá, dịch vụ thiết yếu thì sẽ bị yêu cầu dừng lại ở bất kỳ địa điểm nào có chốt kiểm tra dịch tễ để soát xét và/hoặc có thể sẽ không được cho tiếp tục được vận chuyển, lưu thông mặc dù vẫn có mã QR Code. Như vậy, tình trạng ùn tắc giao thông do việc soát xét các phương tiện này vẫn có khả năng xảy ra tại các chốt kiểm soát, chưa kể đến việc trong quá trình soát xét các phương tiện không được cho phép tiếp tục vận chuyển, lưu thông thì sẽ xử lý như thế nào thì hiện nay vẫn chưa có phương án cụ thể.

Thêm vào đó, trong suốt toàn bộ thời gian thực hiện Chỉ thị 16 cho đến hết ngày 01/08/2021 thì các hoạt động của doanh nghiệp sản xuất sẽ như thế nào? Việc chỉ ưu tiên cho vận chuyển hàng hoá, dịch vụ thiết yếu và thực phẩm sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất khi cần vận chuyển nguyên vật liệu cho quá trình sản xuất của mình. Khi không thể vận chuyển được các nguyên liệu thì kéo theo các hoạt động sản xuất phải ngưng lại và trì trệ hoặc việc không thể vận chuyển các sản phẩm không phải là hàng hoá, dịch vụ thiết yếu để tiêu thụ sẽ làm cho các doanh nghiệp này không thể xoay vòng dòng tiền của mình và thiệt hại về nhiều mặt. Vậy thì những thiệt hại trong quá trình ngưng sản xuất do không thể vận chuyển được nguyên vật liệu, không thể tiêu thụ được sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất này sẽ do ai chịu trách nhiệm và quyền lợi của các doanh nghiệp sẽ được giải quyết như thế nào trong suốt thời gian này?

Hiện nay, một số địa phương đã chủ động ban hành và áp dụng cơ chế cấp mã QR Code cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất kinh doanh áp dụng trong phạm vi địa phương mình. Tuy nhiên, để tạo ra một cơ chế lưu thông hàng hóa thông suốt và thống nhất giữa các địa phương trong cả nước, thì các Bộ, ngành cũng cần phải nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn về việc phân luồng và cho phép lưu thông thêm đối với các loại hàng hóa khác để giảm thiểu sự thiệt hại và sự trì trệ cho các doanh nghiệp sản xuất, từ đó hạn chế việc có thêm nhiều doanh nghiệp rơi vào trình trạng kiệt quệ, phá sản và công nhân mất việc làm Từ đó sẽ dẫn đến bất ổn lớn trong xã hội.

                                                                                     CÔNG TY LUẬT TNHH TRILAW

Xem thêm: Dịch vụ tư vấn pháp lý thường xuyên 

Liên hệ Trilaw