Chuyên mục Investment legal consulting: So sánh hợp đồng BCC và BOT

investment-legal-consulting

Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) giống và khác nhau như thế nào? Trong chuyên mục Investment legal consulting lần này, TriLaw hy vọng có thể giúp cho nhà đầu tư phân biệt được 2 hợp đồng BCC và BOT.

I. Hợp đồng BCC là gì?

Theo quy định tại Khoản 9.3 Luật Đầu tư 2014, hợp đồng BCC (Business Cooperation Contract) là hợp đồng được ký kết giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.

II. Hợp đồng BOT là gì?

Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (Build – Operation – Transfer, gọi tắt là hợp đồng BOT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định. Hết thời hạn được xác định trước, nhà đầu từ chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam. Hợp đồng BOT là 1 trong 7 loại hợp đồng của hình thức đầu tư PPP.

III. Phân biệt hợp đồng BCC và BOT

Theo các chuyên tư vấn pháp lý về đầu tư (Investment legal consulting), hợp đồng BCC và BOT được phân biệt bởi 6 điểm chính dưới đây:

1. Chủ thể tham gia đầu tư:

  • Hợp đồng BCC: chủ yếu là giữa các chủ thể kinh doanh, không có sự tham gia của cơ quan nhà nước.
  • Hợp đồng BOT: luôn phải có sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Lĩnh vực đầu tư:

  • Hợp đồng BCC: tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
  • Hợp đồng BOT: thường được thực hiện trong các lĩnh vực như: xây dựng, vận hành công trình kết cấu hạ tầng mới hoặc cải tạo, mở rộng, hiện đại hóa, vận hành, quản lý các công trình giao thông, kinh doanh điện, cấp thoát nước và xử lý chất thải …

3. Mục đích:

  • Hợp đồng BCC: tìm kiếm lợi nhuận và các mục đích kinh tế, tài chính khác khi các bên hợp tác kinh doanh.
  • Hợp đồng BOT: công trình chủ yếu phục vụ cho lợi ích công cộng. Nhà đầu tư tham gia ký hợp đồng BOT chủ yếu nhắm vào lợi nhuận.

4. Thời hạn thực hiện hợp đồng:

  • Hợp đồng BCC: tùy theo thỏa thuận của các bên, thường ngắn hơn hợp đồng BOT.
  • Hợp đồng BOT: thường dài hơn vì sau khi xây dựng, nhà đầu tư còn kinh doanh trong một thời hạn nhất định sau đó mới chuyển giao cho nhà nước.

5. Phương thức thực hiện hợp đồng:

  • Hợp đồng BCC: không thành lập pháp nhân, không có bộ máy tổ chức, quản lý doanh nghiệp chung, các bên hợp doanh độc lập với nhau về kinh tế, tổ chức, tư cách pháp lý. Việc hợp doanh cùng góp vốn, phân chia kết quả kinh doanh tương ứng với tỉ lệ góp vốn của mỗi bên.
  • Hợp đồng BOT: phải thành lập doanh nghiệp dự án để tổ chức, quản lý doanh nghiệp. Có tư cách pháp nhân, nhân danh chính mình để thực hiện các hoạt động kinh doanh. Việc thành lập doanh nghiệp dự án giúp nâng cao trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, đảm bảo mang lại hiệu quả nhất định.

6. Phương án kinh doanh và chấm dứt hợp đồng:

  • Hợp đồng BCC: phương án kinh doanh và thỏa thuận chấm dứt hợp đồng sẽ do các bên tham gia hợp tác kinh doanh quy định, pháp luật tôn trọng các thỏa thuận đó của các nhà đầu tư.
  • Hợp đồng BOT: quy định tại Khoản 17.3 Luật Đầu tư 2005: nhà đầu tư chỉ có quyền kinh doanh trong một thời hạn nhất định. Khi hết thời hạn, nhà đầu tư chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho nhà nước.

Hợp đồng BCC và BOT là 2 mẫu hợp đồng mà nhà đầu tư nên hiểu và nắm rõ trước khi đầu tư vào Việt Nam. Qua chuyên mục Investment legal consulting lần này, TriLaw hy vọng những thông tin trình bày ở trên sẽ giúp cho nhà đầu tư nhận diện rõ được hợp đồng BCC và BOT. Mọi thắc mắc và câu hỏi xin vui lòng ghi nhận phía dưới hoặc liên hệ qua số hotline của TriLaw: (84.28) 35 210 217 hoặc email info@trilaw.com.vn để được tư vấn trực tiếp.

Liên hệ Trilaw