MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 12/2019

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 12/2019

1. Tăng gấp 10 lần mức phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

2. Giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối

3. Tăng tỉ lệ trích nộp tiền thu phí thi hành án dân sự vào ngân sách nhà nước

4. Thay đổi quy định về ghi nợ tiền sử dụng đất

Và một số vấn đề đáng chú ý:

1.0“Môi trường” – xu thế năm 2019

2. Cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu, thu hút đầu tư với Bỉ và Hà Lan

1. Tăng gấp 10 lần mức phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Sau khi Luật cạnh tranh 2018 có hiệu lực vào 01/7/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 75/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh. Theo đó, từ ngày 01/12/2019, mức phạt tối đa đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh là 2 tỷ đồng (thay vì 200 triệu đồng theo quy định cũ), được áp dụng cho hành vi bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ trên phạm vi từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Ngoài ra, tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm và khoản lợi nhuận thu được từ hành vi này cũng sẽ bị tịch thu.

                                                                                    

2. Giảm mức phạt đối với một số hành vi vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối

Theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng có hiệu lực từ ngày 31/12/2019:

Thay vì mức phạt chung từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng như quy định hiện hành, hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị xử phạt theo các mức cụ thể tương ứng với giá trị của ngoại tệ mua, bán như sau:

Giá trị của ngoại tệ mua bán

Mức phạt đối với cá nhân

Dưới 1.000 USD

Cảnh cáo

1.000 USD đến dưới 10.000 USD

Dưới 1.000 USD mà tái phạm, vi phạm nhiều lần

10 triệu đồng đến 20 triệu đồng

10.000 USD đến dưới 100.000 USD

20 triệu đồng đến 30 triệu đồng

Từ 100.000 USD trở lên

80 triệu đồng đến 100 triệu đồng

Còn đối với hành vi giao dịch, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận, niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ, quyền sử dụng đất bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật, mức phạt là 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng (hiện hành là 200 triệu đồng đến 250 triệu đồng).

 

3. Tăng tỉ lệ trích nộp tiền thu phí thi hành án dân sự vào ngân sách nhà nước

Theo Thông tư 74/2019/TT-BTC sửa đổi Thông tư 216/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự thì việc quản lý, sử dụng tiền phí thi hành án dân sự của tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động được thực hiện như sau:

  • Trích lại 55% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP (thay vì 65% như quy định hiện hành).
  • Nộp 20% số tiền phí thu được vào tài khoản của Tổng cục Thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp tại Kho bạc Nhà nước.
  • Nộp 25% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước (thay vì 15% như quy định hiện hành).

Thông tư 74/2019/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 10/12/2019.

 

4. Thay đổi quy định về ghi nợ tiền sử dụng đất

Theo quy định tại Nghị định 45/2014/NĐ-CP: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp tiền sử dụng đất ngay một lần thì phải nộp 100% tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, nếu xin ghi nợ 5 năm (có khó khăn về tài chính, có nguyện vọng được ghi nợ) và sau đó thanh toán nợ ngay hoặc trả trước hạn ghi nợ thì được hỗ trợ giảm trừ 2% trên số tiền trả nợ trước hạn. Để khắc phục tình trạng lợi dụng bất cập trên, Nghị định 79/2019/NĐ-CP sửa đổi Điều 16 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất đã bãi bỏ quy định về hỗ trợ giảm trừ này.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân đã được ghi nợ mà đến trước 10/12/2019 chưa thanh toán hết nợ thì thực hiện như sau:

  • Nếu đã được ghi nợ trước ngày 01/3/2016 thì:

Tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đến hết ngày 28/02/2021 (không áp dụng đối với số tiền sử dụng đất thanh toán nợ mà hộ gia đình, cá nhân đã nộp vào NSNN).

Kể từ ngày 01/3/2021 trở về sau: thanh toán số tiền sử dụng đất còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

  • Nếu đã được ghi nợ từ ngày 01/3/2016 đến trước ngày 10/12/2019 thì:

Tiếp tục thanh toán tiền sử dụng đất còn nợ theo số tiền ghi trên giấy chứng nhận trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ghi nợ.

Quá thời hạn 05 năm này: thanh toán số tiền còn nợ theo chính sách và giá đất tại thời điểm trả nợ.

Nghị định 79/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/12/2019.

 

VẤN ĐỀ ĐÁNG CHÚ Ý

1. “MÔI TRƯỜNG” – XU THẾ NĂM 2019

Theo Hội đồng Kinh doanh Thế giới vì Sự Phát triển Bền vững (World Business Council for Sustainable Development), doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực đều mang trên vai trách nhiệm xã hội, bao gồm cả trách nhiệm đối với môi trường. Trách nhiệm này được đề cao và được thực hiện tốt hơn hết vào năm 2019, khi “Bảo vệ môi trường” được xem là chủ đề nóng nhất trong suốt cả năm.

Cùng với sự tuyên truyền thành công bởi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ và các thế hệ yêu môi trường, ý thức người dân được nâng cao đã tạo ra làn sóng hạn chế sử dụng các sản phẩm có hại cho môi trường, đặc biệt là sản phẩm làm từ nhựa sử dụng một lần. Mặc dù không có văn bản bắt buộc nào từ phía Nhà nước, nhưng để phù hợp với xu thế tiêu dùng, các doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ kinh doanh thực phẩm, bán lẻ và ngay cả các doanh nghiệp công nghệ cũng đã thực hiện nhiều hành động tích cực như thay đổi cách đóng gói bao bì bằng những vật liệu hữu cơ hay tung ra các hình thức giảm giá mới để ủng hộ việc bảo vệ môi trường.

Nhờ vào sức ảnh hưởng tích cực từ người tiêu dùng, trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại không còn là lý thuyết trên trang giấy mà đã trở thành những hành động thực tế. Mong rằng trong năm 2020 và những năm tiếp theo, môi trường vẫn sẽ được quan tâm và bảo vệ, mang đến môi trường kinh doanh bền vững và thân thiện cho các các nhân, tổ chức trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam.

 

2. CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU, THU HÚT ĐẦU TƯ VỚI BỈ VÀ HÀ LAN

Với mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức và các địa phương trên khắp Việt Nam xúc tiến giao thương, tìm kiếm các cơ hội xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư với Bỉ và Hà Lan, Cục Xúc tiến thương mại (XTTM) sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức “Đoàn giao dịch thương mại tại Hà Lan và Vương quốc Bỉ”. Và trong tháng 12 vừa qua, Cục XTTM cũng đã có thông báo mời các doanh nghiệp tham gia Đoàn giao dịch thương mại này.

Vương quốc Bỉ và Hà Lan đều được đánh giá là thị trường xuất khẩu tiềm năng đối với Việt Nam. Đặc biệt, khi Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) vào cuối tháng 6/2019, dự kiến sẽ có nhiều cơ hội triển vọng cho hợp tác thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với Vương quốc Bỉ và Hà Lan. Đây là cơ hội rất tốt cho các tổ chức, doanh nghiệp trên mọi lĩnh vực có thể mở rộng thị trường tiêu dùng của mình và nới rộng “biên giới kinh tế” cho Việt Nam.

Để đăng ký tham gia chương trình, xin vui lòng truy cập vào trang web của Cục Xúc tiến Thương mại tại đây để biết thêm thông tin chi tiết.

 

 

 

Liên hệ Trilaw