NGHỊ QUYẾT 35

Ngày 15/05/2016 Chính Phủ đã ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP quy định về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 (sau đây gọi là “Nghị quyết 35”) đang được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm. TriLaw xin được tóm tắt một số nội dung chính của Nghị quyết 35 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuận tiện trong việc tiếp cận và tìm hiểu.

 

 
Để cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp, Nghị quyết 35 đã đề ra 05 mục tiêu chính như sau:
1.    Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp
 
2.    Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
 
3.    Đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp
 
4.    Giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp
 
5.    Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp
 
Nghị quyết 35 đã đề ra nhiều biện pháp và trải rộng trên nhiều lĩnh vực, dưới đây là một số biện pháp chính nhằm hoàn thành các mục tiêu nêu trên:
1.    Trình Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong tháng 7 năm 2016; xây dựng báo cáo trình Chính phủ để trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp ngay trong năm 2016; hoàn thiện quy định về thủ tục phá sản doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho việc thực hiện phá sản;
 
2.    Rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về các loại thuế, quản lý thuế: nghiên cứu, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, xây dựng lộ trình bỏ hình thức thuế khoán chuyển sang thuế thu nhập doanh nghiệp; giảm thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực …;
 
3.    Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, hiệu quả và sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới sáng tạo; có các chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp mới sáng tạo; doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận và sử dụng đất nông nghiệp;
 
4.    Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Đề xuất các biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia và các chương trình hỗ trợ nhà nước; duy trì mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, đơn giản hóa quy trình vay vốn; thực hiện đồng bộ lộ trình hạn chế tín dụng ngoại tệ đi đôi với phát triển thị trường mua bán ngoại tệ; sửa đổi quy định về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; đẩy mạnh Chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”;
 
5.    Đảm bảo quyền bình đẳng giữa các doanh nghiệp; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả;
 
6.    Giảm thời gian thực hiên các thủ tục hải quan, thuế, cấp phép xây dựng, thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, các thủ tục về đất đai và môi trường; 
 
7.    Giảm chi phí cho doanh nghiệp: Điều chỉnh lại tiền thuê đất, chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng đất; mức phí đường bộ, phí BOT và chi phí khác của doanh nghiệp; loại bỏ các giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý;
 
8.    Thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp tái cấu trúc thị trường chứng khoán; bổ sung cơ chế đẩy mạnh thu hút đầu tư gián tiếp nước ngoài.
 
TriLaw hy vọng những nội dung tóm tắt nêu trên sẽ có ích cho quý doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình.
 
Thu Danh - VPLS TriLaw
Liên hệ Trilaw