TriLaw trân trọng giới thiệu đến Quý khách hàng nội dung tóm tắt một số quy định pháp luật bắt đầu có hiệu lực trong tháng 01/2020:
MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC TRONG THÁNG 01/2020
1. Tăng mức lương tối thiểu vùng
Theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2020, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 5,1% đến 5,7% một tháng so với quy định hiện hành:
Lương tối thiểu theo quy định mới Mức tăng so với quy định cũ
Vùng I 4.420.000 đồng 240.000 đồng
Vùng II 3.920.000 đồng 210.000 đồng
Vùng III 3.430.000 đồng 180.000 đồng
Vùng IV 3.070.000 150.000 đồng
Ngoài ra còn có một số sự thay đổi về vùng trong việc áp dụng lương tối thiểu vùng.
2. Siết chặt hơn các quy định trong việc đòi nợ khách hàng của công ty tài chính
Thông tư 18/2019/TT-NHNN có một số điểm đáng chú ý:
- Hợp đồng cho vay tiêu dùng phải có nội dung về hình thức nhắc nợ và thời gian nhắc nợ;
- Không nhắc nợ trong khoảng thời gian từ 07 giờ đến 21 giờ;
- Chỉ được nhắc nợ đối tối đa 5 lần/ngày;
- Phải bảo mật thông tin khách hàng.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/01/2020.
3. Tăng mức phạt vi phạm về đất đai
Theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP, từ ngày 05/01/2020:
- Tăng 100 lần mức phạt đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp: tối đa 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức.
- Tăng 10 lần mức phạt đối với hành vi chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp: tối đa 500 triệu đồng với cá nhân và 1 tỷ đồng với tổ chức.
- Xử phạt lên tới 1 tỷ đồng đối với hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ điều kiện.
4. Bảng giá đất giai đoạn 2020 – 2024 của thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 16/01/2020, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 02/2020/QĐ-UBND quy định về Bảng giá đất trên địa bàn trong giai đoạn 2020 - 2024. Theo đó, không thay đổi so với giai đoạn 2014 – 2019, giá đất cao nhất là 162.000.000 đồng/m2, thuộc về các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Đồng Khởi tại quận 1.
Bảng giá đất này được sử dụng làm căn cứ trong các trường hợp như:
- Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân đối với phần diện tích trong hạn mức; cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở đối với phần diện tích trong hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân;
- Tính thuế sử dụng đất;
- Tính phí và lệ phí trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai;
- Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
- Tính tiền thuê đất trong Khu công nghệ cao…
Quyết định 02/2020/QĐ-UBND có hiệu lực thi hành từ ngày 26/01/2020.
5. Miễn kiểm tra về an toàn thực phẩm trước thông quan trong một số trường hợp
Theo Nghị định 85/2019/NĐ-CP, từ ngày 01/01/2020, các trường hợp dưới đây được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm:
- Hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có trị giá hải quan được miễn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;
- Hàng hóa nhập khẩu trong danh mục và định lượng miễn thuế theo quy định của pháp luật phục vụ cho công tác và sinh hoạt của tổ chức nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao;
- Hành lý của người nhập cảnh trong định mức miễn thuế;
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ.
6. Thay đổi về hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại
Theo Thông tư 37/2019/TT-BCT, từ ngày 15/01/2020, cần bổ sung thêm 02 loại giấy tờ vào hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, bao gồm:
- Thông tin về cơ sở, dây chuyền sản xuất và sản lượng sản xuất hàng hóa đề nghị miễn trừ trong 03 năm gần nhất và năm hiện tại;
- Tài liệu chứng minh về nhu cầu sử dụng lượng hàng hóa đề nghị miễn trừ, bao gồm: hợp đồng ký kết với khách hàng, phê duyệt các dự án đang triển khai hoặc các tài liệu khác có liên quan.
Ngoài ra, trong phần thông tin mô tả về hàng hóa nhập khẩu đề nghị miễn trừ, Thông tư cũng bãi bỏ quy định yêu cầu thông tin về mức thuế nhập khẩu có hiệu lực áp dụng theo biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tại từng thời kỳ.
VẤN ĐỀ ĐÁNG CHÚ Ý
1. XỬ LÝ RA SAO VỚI NGƯỜI BÁN PHÁ GIÁ KHẨU TRANG
TRONG GIAI ĐOẠN CÚM CORONA?
Những ngày qua, do tình hình dịch bệnh corona diễn biến phức tạp, người dân tìm mọi biện pháp phòng trách dịch bệnh, dẫn đến tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế, mặt hàng cơ bản, thiết yếu phòng chống dịch bệnh corona. Lợi dụng tình trạng đó, một số tổ chức, cá nhân đã trữ hàng, bán tăng giá gấp nhiều lần so với giá trị thực tế.
Luật giá năm 2012 nghiêm cấm tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có hành vi lợi dụng dịch bệnh và điều kiện bất thường khác để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Cụ thể, Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định đối với hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu và bị buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Bên cạnh đó, Nghị định 185/2013/NĐ-CP quy định đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, tức lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và tịch thu tang vật, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.
2. BREXIT – HOÀN TẤT HAY CHƯA?
Vào 11 giờ tối Thứ sáu theo giờ bản địa, Liên hiệp Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU sau gần 50 năm gia nhập kể từ năm 1973. Năm 2016, Liên hiệp Vương quốc Anh đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc ở lại hay rời khỏi EU. Kết quả cho thấy 51,89% người dân Anh đã lựa chọn rời khỏi EU. Và sau hơn 3 năm, Liên hiệp Vương quốc Anh đã chính thức rời khỏi EU trong sự vui mừng phấn khởi của người dân.
Việc Liên hiệp Vương quốc Anh là thành viên đầu tiên rút khỏi EU là một dấu mốc lịch sử thế giới hiện đại. Dấu mốc này không những có ý nghĩa với người dân Liên hiệp Vương quốc Anh mà còn với người dân thế giới. Đặc biệt khi Brexit được các chuyên gia kinh tế nhận định rằng sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Châu Âu và cả thế giới.
Tuy nhiên, đây chưa phải là điểm kết thúc của quá trình Brexit, khi Liên hiệp Vương quốc Anh vẫn còn giai đoạn chuyển tiếp 11 tháng phía trước, được dự kiến sẽ là một giai đoạn đàm phán thương mại kéo dài với EU.
Trước mắt, Liên hiệp Vương quốc Anh vẫn sẽ tuân theo pháp luật và quy định của EU ít nhất là cho đến 31/12/2020, hoặc một thời gian trễ hơn khi các bên đạt được các thỏa thuận, đặc biệt là các thỏa thuận về an ninh và thương mại.