Tư vấn pháp luật thường xuyên: Các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình hoạt động đầu tư

I. Các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình hoạt động đầu tư:

Theo luật sư chuyên về tư vấn pháp luật thường xuyên, những tranh chấp có thể phát sinh với nhiều chủ thể khác nhau. Dưới đây là các tranh chấp có thể phát sinh:

1. Tranh chấp trong quá trình mua bán cổ phần hoặc phần vốn góp:

Việc mua cổ phần, phần vốn góp hiện nay rất phổ biến. Tuy nhiên, quá trình này chứa đựng rất nhiều yếu tố có thể dẫn đến tranh chấp. Đó có thể là tranh chấp liên quan đến việc thanh toán tiền mua cổ phần hoặc phần vốn góp, tranh chấp liên quan đến số liệu kế toán khác biệt giữa hồ sơ và thực tế sau đó, tranh chấp trong việc cơ cấu lại nhân sự, tranh chấp liên quan đến những vấn đề mà các bên không đề cập đến khi tiến hành ký hợp đồng mua bán cổ phần hoặc phần vốn góp.

 

2. Tranh chấp nội bộ nhà đầu tư

Trong quá trình đầu tư, có những tranh chấp trong nội bộ nhà đầu tư phát sinh như tranh chấp về tỷ lệ góp vốn, bổ nhiệm các vị trí quản lý, lựa chọn người đại diện theo pháp luật .v.v. Theo luật sư tư vấn pháp luật thường xuyên, để tránh tình trạng này, nhà đầu tư nên có sự chuẩn bị và thảo luận kỹ lưỡng trước khi quyết định hoặc ký kết các biên bản thỏa thuận nội bộ để tạo nền tảng thuận lợi cho hoạt động đầu tư.

3. Tranh chấp với người lao động:

Tranh chấp lao động là những tranh chấp phát sinh giữa người lao động và doanh nghiệp. Đó có thể là do người lao động gian lận, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, hoặc do việc doanh nghiệp kỷ luật người lao động không đúng với thủ tục hoặc yêu cầu theo quy định của pháp luật.

4. Tranh chấp với đối tác:

Khi đầu tư vào Việt Nam, công ty có vốn nước ngoài cũng cần thiết lập quan hệ kinh doanh và giao dịch với các đối tác ví dụ như: nhà cung cấp, nhà phân phối, nhà cung cấp dịch vụ .v.v. Cũng như bất cứ loại quan hệ nào khác, giữa các đối tác kinh doanh luôn tồn tại nguy cơ xảy ra tranh chấp do đôi bên đều đang đi tìm kiếm lợi ích. Để tránh xung đột đáng tiếc, những thỏa thuận hoặc hợp đồng ký kết giữa các bên cần được soạn thảo kỹ lưỡng, cân bằng lợi ích để duy trì sự tin tưởng và mối quan hệ kinh doanh bền chặt.

5. Tranh chấp với cơ quan nhà nước:

Đây là một danh tranh chấp mang tính nhạy cảm nhưng vẫn có thể xảy ra. Ví dụ như giữa cơ quan thuế và nhà đầu tư có thể phát sinh tranh chấp về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp vì mỗi bên có thể có hướng giải quyết khác nhau. Để tránh tình trạng này, nhà đầu tư nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan để đảm bảo dự án của mình hợp pháp và tiến trình thực hiện được thuận lợi.

 

II. Các phương thức giải quyết tranh chấp hiện nay:

Theo luật sư chuyên về tư vấn pháp luật thường xuyên, căn cứ vào quy định tại Điều 14 Luật Đầu tư 2014, khi xảy ra tranh chấp trong đầu tư kinh doanh thì các bên có thể giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức sau:

1. Phương thức thương lượng:

Theo quy định của pháp luật, để giải quyết tranh chấp phát sinh từ đầu tư kinh doanh, các bên có quyền tự thương lượng với nhau về các mẫu thuẫn, xung đột, bất đồng để tiến tới sự dung hòa về mặt lợi ích giữa các bên trên cơ sở cùng nhau bàn bạc, cùng nhau giải quyết. Đây là phương thức được các bên tranh chấp lựa chọn trước tiên và trong thực tiễn phần lớn các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại được giải quyết bằng phương thức này. Nhà nước khuyến khích áp dụng phương thức tự thương lượng để giải quyết tranh chấp trên tinh thần hoàn toàn tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên.

2. Phương thức hoà giải:

Hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp đầu tư kinh doanh, trong đó các bên cùng nhau bàn bạc, thỏa thuận để giải quyết tranh chấp phát sinh có sự hỗ trợ của bên thứ ba. Đó có thể là cá nhân, tổ chức do các bên lựa chọn, bên thứ ba chỉ đóng vai trò trung gian đưa ra ý kiến về việc giải quyết tranh chấp phát sinh giữa các bên, không có quyền phán xét và quyết định cuối cùng vẫn thuộc về các bên tranh chấp. Kết quả hòa giải phụ thuộc vào thiện chí của các bên tranh chấp và uy tín, kinh nghiệm, kỹ năng của trung gian hòa giải, quyết định cuối cùng của việc giải quyết tranh chấp không phải của trung gian hòa giải mà hoàn toàn phụ thuộc các bên tranh chấp. Hình thức giải quyết này đặc biệt hiệu quả khi giải quyết những tranh chấp kinh doanh, thương mại mang tính chất kỹ thuật (xây dựng, tài chính…).

3. Trọng tài hoặc Toà án:

Theo luật sư chuyên tư vấn pháp luật thường xuyên, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật đầu tư 2014, tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoặc giữa nhà đầu tư trong nước, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam được giải quyết thông qua Trọng tài Việt Nam hoặc Tòa án Việt Nam, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

a. Trọng tài:

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là một hình thức giải quyết tranh chấp không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường và ngày càng được các nhà kinh doanh ưa chuộng. Đó là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua hoạt động của Hội đồng trọng tài hoặc trọng tài viên với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm giải quyết mâu thuản tranh chấp bằng việc đưa ra phán quyết có giá trị bắt buộc các bên phải thi hành. Phương thức này có điểm tích cực là nhanh chóng (vì chỉ qua một cấp giải quyết là quyết định của cơ quan trọng tài sẽ có hiệu lực), linh động theo đề nghị của các bên, có thể bảo đảm bí mật thông tin. Nhược điểm của phương thức giải quyết tranh chấp theo trọng tài là mức phí trọng tài (phí để các trọng tài viên tham gia giải quyết tranh chấp) sẽ cao hơn nhiều so với án phí (là phí giải quyết tranh chấp theo phương thức tòa án).

b. Toà án:

Mặc dù có mức chi phí (án phí) thấp, nhưng phương thức giải quyết tranh chấp qua tòa án có một số nhược điểm sau: thủ tục tại tòa án thiếu linh hoạt, kéo dài, phải qua 2 cấp xét xử. Bên cạnh đó, nguyên tắc xét xử công khai của tòa án có thể khiến ảnh hưởng đến uy tín và bí mật kinh doanh của các bên.

Trên đây là các tranh chấp có thể phát sinh trong quá trình đầu tư cũng như các phương thức giải quyết tranh chấp hiện nay. TriLaw hy vọng qua chuyên mục tư vấn pháp luật thường xuyên, nhà đầu tư sẽ nắm được những thông tin cơ bản về các trường hợp có thể phát sinh tranh chấp và phương thức để giải quyết các tranh chấp này. Mọi thắc mắc và câu hỏi xin vui lòng ghi nhận phía dưới hoặc liên hệ qua số hotline của TriLaw: (84.28) 35 210 217 hoặc email info@trilaw.com.vn để được tư vấn trực tiếp.

Liên hệ Trilaw