Chuyên mục Tư vấn pháp luật thường xuyên Những giao dịch mà doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt

Để tránh các yếu tố gian lận có thể phát sinh, pháp luật Việt Nam có quy định một số giao dịch không được sử dụng tiền mặt. Trong chuyên mục tư vấn pháp luật thường xuyên kỳ này, TriLaw xin chia sẻ rõ hơn về vấn đề này.

1. Giao dịch góp vốn, mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp:

Theo Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC, doanh nghiệp không được sử dụng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.

Thay vào đó doanh nghiệp có thể sử dụng các hình thức sau:

  • Thanh toán bằng Séc;
  • Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
  • Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định hiện hành.

Lưu ý: Quy định cấm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch kể trên không áp dụng đối với cá nhân. Nói cách khác, các cá nhân hoàn toàn có thể thanh toán bằng tiền mặt khi thực hiện giao dịch góp vốn; mua bán, chuyển nhượng phần góp vốn.

2. Các giao dịch vay, cho vay và trả nợ vay lẫn nhau:

Theo khoản 2 Điều 6 Nghị định 222/2013/NĐ-CP, doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp có thể sử dụng các hình thức thanh toán sau:

  • Thanh toán bằng séc;
  • Thanh toán bằng ủy nhiệm chi - chuyển tiền;
  • Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác theo quy định.

3. Giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán:

Tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán (theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 222/2013/NĐ-CP).

Nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch chứng khoán tại công ty chứng khoán để thực hiện giao dịch chứng khoán trên Sở Giao dịch Chứng khoán và chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin nhận biết khách hàng khi mở tài khoản giao dịch.

4. Giao dịch chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán:

Theo các luật sư chuyên tư vấn pháp luật thường xuyên TriLaw, thanh toán chứng khoán được thực hiện qua Trung tâm lưu ký chứng khoán, thanh toán tiền giao dịch chứng khoán được thực hiện qua ngân hàng thanh toán (khoản 2 Điều 55 Luật Chứng khoán 2006).

Đồng thời, khoản 2 Điều 5 Nghị định 222/2013/NĐ-CP cũng quy định, tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.

5. Giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ từng lần từ 20 triệu đồng trở lên:

Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC, khi thanh toán có các giao dịch có giá trị từ 20 triệu trở lên, doanh nghiệp phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để có thể tính chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

6. Giao dịch nộp tiền vào ngân sách nhà nước:

Doanh nghiệp có tài khoản tại ngân hàng thương mại thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước (thuế, phí, lệ phí, tiền phạt…) bằng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt hoặc nộp bằng tiền mặt tại ngân hàng thương mại để chuyển nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước (khoản 1 Điều 1 Thông tư 136/2018/TT-BTC).

7. Giao dịch của doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước:

Các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số giao dịch sau:

  • Thanh toán tiền thu mua nông, lâm, thủy sản, dịch vụ và các sản phẩm khác cho người dân trực tiếp sản xuất, đánh bắt, khai thác bán ra mà chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng;
  • Thanh toán công tác phí, trả lương và các khoản thu nhập khác cho người lao động chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng;
  • Các khoản thanh toán để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh liên quan đến bí mật Nhà nước;
  • Bên thanh toán thực hiện việc thanh toán hoặc bên được thanh toán nhận thanh toán tại các xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, khu vực nông thôn nơi chưa có tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán;
  • Khoản thanh toán với giá trị dưới 20 triệu đồng, trừ trường hợp các khoản thanh toán trong ngày có giá trị dưới 20 triệu đồng cho cùng một mục đích, một đối tượng thanh toán nhưng tổng các khoản thanh toán lớn hơn 20 triệu đồng.

Doanh nghiệp có hành vi sử dụng tiền mặt trong các giao dịch nêu trên có thể bị xử phạt bằng hình thức phạt tiền từ 300.000.000 đến 400.000.000 đồng theo quy định tại khoản 3, Điều 3 và khoản 6, Điều 27 của Nghị định 96/2014/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Trên đây là các thông tin cơ bản về những giao dịch cấm sử dụng tiền mặt theo pháp luật hiện hành. Qua chuyên mục tư vấn pháp luật thường xuyên kỳ này TriLaw hy vọng giúp doanh nghiệp nắm được những giao dịch không được sử dụng tiền mặt. Mọi thắc mắc và câu hỏi xin vui lòng ghi nhận phía dưới hoặc liên hệ qua số hotline của TriLaw: (84.28) 35 210 217 hoặc email info@trilaw.com.vn để được tư vấn trực tiếp.

Liên hệ Trilaw