VÀI Ý KIẾN PHÁP LÝ VỀ CÁC TRƯỜNG HỢP HUỶ BỎ, KHÔNG THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC HỢP ĐỒNG DO ẢNH HƯỞNG BỞI LỆNH CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC CÓ THẨM QUYỀN

I. Quy định về việc không thể thực hiện được hợp đồng do ngưng/chấm dứt hoạt động theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

Việc một bên trong quan hệ hợp đồng không thể thực hiện được hợp đồng do thực hiện theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 (“LTM 2005”). Cụ thể như sau:

Điều 294. Các trường hợp miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm

1. Bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong các trường hợp sau đây:

a) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận;

b) Xảy ra sự kiện bất khả kháng;

c) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia;

d) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2. Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm”.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì khi một bên vì phải thực hiện theo lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà dẫn đến việc không thể thực hiện được hợp đồng thì được miễn trách nhiệm đối với bên còn lại.

Việc cần lưu ý là, việc hoãn hoặc ngưng thực hiện hợp đồng phải phù hợp với mức độ bị tác động bởi lệnh của cơ quan quản lý nhà nước. Đây là vấn đề cần phân tích ở từng trường hợp cụ thể.

Xin được ví dụ 02 trường hợp cụ thể để làm rõ phân tích nêu trên:

Ví dụ 1: Công ty A ký hợp đồng với Công ty B theo đó Công ty A giao cho Công ty B thực hiện trọn gói việc tổ chức sự kiện “Kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Công ty A” với số lượng khách tham dự là 100 người. Sự kiện phải được tổ chức vào ngày 25/3/2020 tại Nhà hàng X có địa chỉ tại quận 1, Tp. HCM. Tuy nhiên vào ngày 24/3/2020 UBND Tp. HCM ban hành thông báo khẩn số 1049/UBND-TH (“Thông báo số 1049”) theo đó chỉ đạo: “Tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (công suất phục vụ từ 30 người trở lên)… trên địa bàn thành phố kể từ 18 giờ, ngày 24 tháng 3 năm 2020 đến hết ngày 31/3/2020”. Với Thông báo số 1049 như trên thì rõ ràng Công ty B không thể thực hiện được hợp đồng là tổ chức sự kiện kỷ niệm 10 năm ngày thành lập Công ty A với số lượng khách tham dự là 100 người, tại Nhà hàng X vào ngày 25/3/2020 như thoả thuận hợp đồng. Trong trường hợp này, việc Công ty B không thực hiện được 100% hợp đồng là “do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” và do vậy Công ty B được miễm trách nhiệm theo quy định nêu trên. 

Ví dụ 2: Công ty C thuê phòng tại toà nhà V của Công ty D để kinh doanh Phòng tập thể hình (Gym). Do dịch bệnh Covid-19 bùng phát cộng với việc có Thông báo số 1049 nên từ ngày 25/3/2020 Công ty C không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho các khách hàng đang sử dụng dịch vụ tại toà nhà V. Do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng đáng kể nên Công ty C muốn chấm dứt trước thời hạn hợp đồng thuê văn phòng đã ký với Công ty D với lý do “do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” (tức thực hiện theo Thông báo số 1049). Trong trường hợp này nhận thấy cần phân biệt:

i. việc Công ty C vi phạm hợp đồng với khách hàng của mình (ngưng cung cấp dịch vụ đột ngột): có đầy đủ cơ sở để cho rằng đây thuộc trường hợp vi phạm “do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Và do vậy, Công ty C sẽ được miễn trách nhiệm với khách hàng của mình.

ii. Công ty C có thể đề nghị với Công ty D tạm ngưng việc thuê mặt bằng, vì không thể hoạt động theo lệnh của cơ quan quản lý nhà nước. Nếu Công ty C muốn chấm dứt trước thời hạn hợp đồng thuê phòng đã ký với Công ty D với lý do “do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”, thì sẽ không hợp lý. Bởi vì: Thông báo số 1049 có làm cho lợi nhuận của Công ty C bị giảm sút, nhưng chỉ là giảm sút hoạt động và lợi nhuận trong mùa dịch, chứ không phải là toàn bộ thời gian của hợp đồng thuê. Nếu Công ty C đề nghị Công ty D xem xét tạm ngưng hợp đồng thuê trong một thời gian của mùa dịch, hoặc là giảm một phần tiền thuê trong mùa dịch, thì có thể là hợp lý. Việc chấm dứt toàn bộ hợp đồng thuê trong trường hợp này của Công ty C sẽ không khiến Công ty C được miễn các trách nhiệm theo thỏa thuận với Công ty D.

iii. Cũng trường hợp như trên, nhưng nếu Công ty C hoạt động trong lĩnh vực thiết kế xây dựng, không phải là lĩnh vực bị yêu cầu ngưng hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì việc hoãn và chấm dứt hợp đồng thuê phải dựa trên thỏa thuận của hai bên. Nếu Công ty C chấm dứt hợp đồng thuê trong trường hợp này, mà không được sự đồng ý của Công ty D, thì Công ty C sẽ không được miễn các trách nhiệm đối với Công ty D.

Tóm lại, trong trường hợp này, nhận thấy việc Công ty C đòi chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn với lý do “do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền” là không có cơ sở pháp lý đầy đủ. 

Về mặt thủ tục, để được “miễn trách nhiệm” theo quy định nêu trên, theo quy định tại khoản 2 Điều 294 LTM 2005 thì “Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm”. Cụ thể, bên vi phạm phải chứng minh lý do mình không thể thực hiện được hợp đồng là do thực hiện theo văn bản nào, văn bản đó do cơ quan nào ban hành, ban hành vào ngày nào.

II. Trường hợp không có nguyên liệu để thực hiện hợp đồng gia công

Bộ luật Dân sự năm năm 2015 (“BLDS 2015”) và LTM 2005 không có quy định cụ thể về trường hợp bên nhận gia công không thể thực hiện được hợp đồng gia công vì không có nguyên liệu trong thời gian dịch bệnh hoặc do lệnh đóng cửa biên giới của cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, tuỳ vào thoả thuận của các bên tại từng hợp đồng cụ thể (ví dụ: bên đặt gia công giao một phần hay toàn bộ nguyên liệu, vật liệu cho bên nhận gia công; hoặc giao tiền để bên nhận gia công mua vật liệu theo số lượng, chất lượng và mức giá thoả thuận…) mà có hướng giải quyết phù hợp.

Theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 294 LTM 2005 thì bên vi phạm hợp đồng được miễn trách nhiệm trong trường hợp “Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 294 LTM 2005 thì bên vi phạm hợp đồng cũng được miễn trách nhiệm trong trường hợp “xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận”. Từ quy định này, khi xảy ra sự việc không có nguyên liệu để thực hiện hợp đồng gia công, vấn đề cần xem xét là trường hợp này có thuộc các trường hợp được miễn trách nhiệm mà 02 bên thoả thuận trong hợp đồng hay không. Nếu có thoả thuận thì bên không thực hiện được hợp đồng gia công sẽ được miễn trách nhiệm đối với bên còn lại.

III. Trường hợp hủy hợp đồng do không thể xuất nhập cảnh hoặc do bị cách ly

Với giả định rằng, việc 01 người không thể xuất nhập cảnh hoặc bị cách ly là thực hiện theo mệnh lệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì hạn chế này cần được xem xét trong từng hoàn cảnh cụ thể để làm rõ liệu rằng người đó có phải là người không thể thay thế bằng người khác để thực hiện hợp đồng hay không. Bởi lẽ, nếu người đó là người không thể thay thế bằng người khác để thực hiện hợp đồng (ví dụ: hợp đồng mời đích danh ca sỹ/ người mẫu tham gia một sự kiện vào một thời gian và địa điểm cụ thể) thì việc họ không thể xuất nhập cảnh hoặc bị cách ly sẽ dẫn đến việc hợp đồng không thể thực hiện được. Trong trường hợp như vậy, người bị cách ly dẫn đến việc không thể thực hiện được hợp đồng sẽ không phải chịu trách nhiệm đối với bên kia.

Ngược lại, nếu việc người đó không thể xuất nhập cảnh hoặc bị cách ly nhưng họ có thể nhờ hoặc uỷ quyền cho người khác thay mình thực hiện công việc theo hợp đồng, và việc thay thế này không ảnh hưởng tới việc thực hiện hợp đồng thì việc người đó không thể xuất nhập cảnh hoặc bị cách ly không thể được xem là lý do dẫn đến việc hợp đồng bị huỷ bỏ.

Nếu hợp đồng có thể dời lại, cho đến khi lệnh của cơ quan quản lý nhà nước được tháo gỡ, thì hai bên cần trao đổi lại khả năng điều chỉnh lại thời gian thực hiện hợp đồng. Nếu hai bên không thể thống nhất với việc dời lại thời gian thực hiện hợp đồng, thì bên không thể thực hiện hợp đồng (do bị cách ly) cần có thông báo chấm dứt hợp đồng gửi cho bên kia. Trong thông báo cũng nên đề cập đến việc hai bên đã cố gắng trao đổi để dời thời gian thực hiện hợp đồng nhưng không đạt được sự thống nhất giữa hai bên.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 315 LTM 2005 thì bên huỷ bỏ hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc huỷ bỏ hợp đồng. Vì vậy, trong trường hợp muốn huỷ bỏ hợp đồng thì bên huỷ bỏ phải thông báo ngay bằng văn bản cho bên kia về việc huỷ bỏ. Trong trường hợp không thông báo ngay mà gây thiệt hại cho bên kia thì bên huỷ bỏ hợp đồng phải bồi thường thiệt hại.

Liên hệ Trilaw