Chuyên mục M&A: Những lưu ý khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp

Hoạt động M&A được điều chỉnh bởi rất nhiều luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư .v.v. Trong chuyên mục M&A kỳ này, TriLaw xin đưa ra những lưu ý khi mua bán, sáp nhập doanh nghiệp.

I. M&A – Những lưu ý khi mua bán doanh nghiệp

1. Mua bán công ty là gì và công ty nào được phép bán?

Mua bán công ty về bản chất cũng giống như hoạt động mua bán hàng hoá, dịch vụ thông thường. Tuy nhiên, đối tượng được bán lại là một một tổ chức có chức năng, nhiệm vụ và tài sản riêng. Việc mua lại doanh nghiệp được hiểu như việc mua lại các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Bên mua lại sẽ tiếp tục kế thừa và tiếp tục thực hiện các công việc của công ty bán.

Theo các chuyên gia M&A, trong 5 loại hình doanh nghiệp hiện nay thì chỉ có doanh nghiệp tư nhân có được phép bán và chuyển nhượng doanh nghiệp. Còn những doanh nghiệp không được thực hiện việc bán doanh nghiệp, sẽ phải chuyển sang hình thức chuyển nhượng cổ phần hoặc chuyển nhượng góp vốn vào công ty.

2. Những lưu ý khi mua bán doanh nghiệp:

  1. Về khía cạnh pháp lý:

Theo chuyên gia M&A TriLaw, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động mua bán doanh nghiệp Việt Nam nằm rải rác ở Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ phương diện pháp lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng và đầy đủ các quy định pháp luật của Việt Nam trong việc mua lại doanh nghiệp, góp phần giảm thiểu tối đa rủi ro về mặt pháp lý cho nhà đầu tư.

  1. Báo cáo tài chính:

Nhà đầu tư cần xem xét các báo cáo tài chính và các bản khai thuế của công ty trong vòng từ 3-5 năm qua để đánh giá được tình trạng tài chính hiện tại và các xu hướng tài chính trong tương lai của công ty trước khi mua lại.

  1. Đội ngũ nhân viên:

Sự thành công của doanh nghiệp không chỉ phụ thuộc vào đội ngũ lãnh đạo mà còn dựa vào  chất lượng của đội ngũ nhân viên. Những nhân viên chủ chốt là tài sản quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp. Nhà đầu tư cần xác định xem đội ngũ nhân viên có tầm quan trọng như thế nào đối với sự thành công của doanh nghiệp. Xác định trình độ chuyên môn cũng như khả năng làm việc và định hướng tương lai của đội ngũ nhân viên.

  1. Khách hàng:

Việc mua lại doanh nghiệp có mục đích chủ yếu là tận dụng những điều kiện có sẵn để tạo bàn đạp cho nhà đầu tư phát triển ở một thị trường mới. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu về lượng khách hàng, mối quan hệ hợp tác và lợi nhuận của doanh nghiệp mục tiêu trong thời điểm hiện tại để có thể tạo nền tảng cho việc ổn định, xây dựng và phát triển lượng khách hàng của doanh nghiệp sau khi mua lại. Khách hàng là tài sản quan trọng nhất của công ty, phải bảo đảm là các khách hàng cũng bền vững như những tài sản hữu hình khác.

  1. Thương hiệu:

Thương hiệu được xem là tài sản vô hình của doanh nghiệp. Nhà đầu tư thường lựa chọn doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng mà họ hướng tới. Bởi việc mua lại doanh nghiệp có thương hiệu sẽ giúp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, giá trị thương hiệu cũng tỷ lệ thuận với giá trị giao dịch khi mua lại doanh nghiệp. Vì vậy, nhà đầu tư cần định giá thương hiệu một cách hợp lý, phù hợp với ngân sách.

II. M&A - Những lưu ý khi sáp nhập doanh nghiệp:

Vì việc sáp nhập doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là một hợp đồng “mua bán” doanh nghiệp, hoạt động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cả công ty bị sáp nhập, công ty nhận sáp nhập và các bên liên quan. Thấy rõ nhất là ảnh hưởng trực tiếp đối với công ty bị sáp nhập về nhân sự, về các hợp đồng đối tác hay nhưng hoạt động mà doanh nghiệp này đang tiến hành. Do đó, để đảm bảo lợi ích các bên liên quan, khi thực hiện hoạt động M&A theo hình thức sáp nhập doanh nghiệp cần lưu ý những điều sau:

1. Điều kiện để sáp nhập doanh nghiệp:

Theo quy định tại Điều 16 Luật cạnh tranh thì sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp là hình thức tập trung kinh tế. Vì vậy, sáp nhập doanh nghiệp chỉ có thể tiến hành khi thỏa mãn một trong những điều kiện sau:

  • Doanh nghiệp sau khi sáp nhập, hợp nhất thuộc loại doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 6 Nghị định 39/2018/NĐ-CP
  • Thị phần của doanh nghiệp sau sáp nhập, hợp nhất chiếm không quá 50% thị phần trên thị trường liên quan.
  • Thị phần của doanh nghiệp sau sáp nhập, hợp nhất chiếm trên 50% trên thị trường liên quan nhưng thuộc trường hợp miễn trừ đối với tập trung kinh tế bị cấm. Theo đó, có 2 trường hợp được miễn trừ:
  • Một hoặc nhiều bên tham gia tập trung kinh tế đang trong nguy cơ bị giải thể hoặc lâm vào tình trạng phá sản.
  • Việc tập trung kinh tế có tác dụng mở rộng xuất khẩu hoặc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ.

2. Những trường hợp bị cấm và hạn chế:

Do sáp nhập doanh nghiệp là một hình thức tập trung kinh tế, tức là cách thức tập trung quy mô và thị phần vào một công ty dễ gây ra cạnh tranh không lành mạnh đối với các công ty khác. Vậy nên pháp luật quy định có các trường hợp hạn chế và cấm sáp nhập doanh nghiệp sau đây:

  • Công ty sáp nhập có thị phần từ 30% đến 50% trên thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty bị hợp nhất/sáp nhập phải thông báo cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.
  • Cấm các trường hợp sáp nhập mà theo đó công ty hợp nhất/nhận sáp nhập có thị phần trên 50% trên thị trường có liên quan, trừ trường hợp Luật cạnh tranh có quy định khác.

3. Hợp đồng sáp nhập:

Theo chuyên gia M&A, hợp đồng sáp nhập phải có các nội dung sau: tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị sáp nhập; thủ tục và điều kiện sáp nhập; phương án sử dụng lao động; cách thức, thủ tục, thời hạn và điều kiện chuyển đổi tài sản, chuyển đổi phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty bị sáp nhập thành phần vốn góp, cổ phần, trái phiếu của công ty nhận sáp nhập; thời hạn thực hiện sáp nhập.

Hợp đồng sáp nhập phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua.

Các thủ tục pháp lý về sáp nhập doanh nghiệp phải được thực hiện theo đúng quy định pháp luật hiện hành và thông qua các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Về nghĩa vụ thuế:

Doanh nghiệp bị sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi sáp nhập doanh nghiệp. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì doanh nghiệp nhận sáp nhập có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Trên đây là những lưu ý khi mua bán sáp nhập doanh nghiệp. Qua chuyên mục M&A, TriLaw hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho nhà đầu tư trong quá trình mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A). Mọi thắc mắc và câu hỏi xin vui lòng ghi nhận phía dưới hoặc liên hệ qua số hotline của TriLaw: (84.28) 35 210 217 hoặc email info@trilaw.com.vn để được tư vấn trực tiếp.

Liên hệ Trilaw