HÒA GIẢI THƯƠNG MẠI- MỘT PHƯƠNG THỨC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP MỚI Ở VIỆT NAM

Từ ngày 15.04.2017, Việt Nam đã có khung pháp lý cho phương thức giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải thương mại. Cụ thể là Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hoà giải thương mại. Trong Nghị định này, Chính phủ cũng đưa ra chính sách khuyến khích các bên tranh chấp sử dụng Hòa giải thương mại để giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực thương mại và các tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Hòa giải thương mại.

Hiện đã có 02 trung tâm Hòa giải thương mại lớn chính thức hoạt động tại Việt Nam là Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) và Trung tâm Hòa giải thương mại quốc tế (VICMC). Tuy nhiên, Hòa giải thương mại vẫn còn mới đối với người Việt Nam nói chung, với các doanh nhân và các doanh nghiệp ở Việt Nam nói riêng. Điểm khác biệt căn bản giữa Hòa giải thương mại với các phương thức giải quyết tranh chấp khác như Tòa án hay Trọng tài chính là, thông qua Hòa giải thương mại, các bên có thể đi đến một giải pháp đột phá và thân thiện, giải pháp ấy được thiếp lập bởi chính các bên mà không phải bởi sự phán quyết của bất kỳ ai.

1. Hòa giải thương mại là gì?

Hòa giải thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp thương mại do các bên thỏa thuận và được Hòa giải viên thương mại làm trung gian hòa giải hỗ trợ giải quyết tranh chấp theo quy định của Nghị định 22/2017/NĐ-CP.

2. Hòa giải thương mại có phải là hình thức hòa giải thông thường như từ trước đến nay vẫn được áp dụng không?

Trước nay, trong cuộc sống hàng ngày, trong quan hệ kinh doanh, các bên tranh chấp có thể tìm cách giải quyết tranh chấp của mình bằng việc hòa giải. Tuy nhiên, Hòa giải thương mại theo Nghị định 22/2017/NĐ-CP là khác. Cụ thể, Hòa giải thương mại là phương thức Hòa giải được quy định trong Nghị định 22/2017/NĐ-CP. Việc các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác không phải là Hòa giải viên thương mại, tổ chức Hòa giải thương mại, tổ chức Hòa giải thương mại nước ngoài tại Việt Nam quy định tại Nghị định này làm trung gian hòa giải được thực hiện theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định pháp luật, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.

3. Hòa giải thương mại có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp gì?

Phạm vi giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải thương mại bao gồm:

  1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
  2. Tranh chấp giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
  3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Hòa giải thương mại.

4. Hòa giải thương mại giải quyết tranh chấp dựa trên những nguyên tắc nào?

Những nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải thương mại:

  1. Các bên tranh chấp tham gia hòa giải hoàn toàn tự nguyện và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ.
  2. Các thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải phải được giữ bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác.
  3. Nội dung thỏa thuận hòa giải không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ, không xâm phạm quyền của bên thứ ba.

5. Làm thế nào để đưa vụ tranh chấp ra giải quyết bởi Hòa giải thương mại?

Tranh chấp được giải quyết bằng Hòa giải thương mại nếu các bên có thỏa thuận hòa giải. Các bên có thể thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng hòa giải trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp hoặc tại bất cứ thời điểm nào của quá trình giải quyết tranh chấp. Thỏa thuận hòa giải có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản hòa giải trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Trong thời gian giải quyết tranh chấp bằng Hòa giải thương mại, các bên cũng có thể thỏa thuận rằng không bên nào được quyền đưa vụ việc ra Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết.

6. Thủ tục tiến hành hòa giải như thế nào?

  • Về Quy tắc hòa giải: Các bên có quyền lựa chọn Quy tắc hòa giải của tổ chức Hòa giải thương mại để tiến hành hòa giải hoặc tự thỏa thuận trình tự, thủ tục hòa giải. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về trình tự, thủ tục hòa giải thì Hòa giải viên thương mại tiến hành hòa giải theo trình tự, thủ tục mà Hòa giải viên thương mại thấy phù hợp với tình tiết vụ việc, nguyện vọng của các bên và được các bên chấp thuận.
  • Số lượng Hòa giải viên: Tranh chấp có thể do một hoặc nhiều Hòa giải viên thương mại tiến hành theo thỏa thuận của các bên. Các bên có quyền thỏa thuận chọn Hòa giải viên từ danh sách Hòa giải viên thương mại của tổ chức Hòa giải thương mại hoặc từ danh sách Hòa giải viên thương mại vụ việc do Sở Tư pháp công bố.
  • Địa điểm, thời gian hòa giải: được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo lựa chọn của Hòa giải viên thương mại trong trường hợp các bên không có thỏa thuận.

7. Kết quả Hòa giải có giá trị thi hành đối với các bên tranh chấp không?

  • Khi việc hòa giải đạt kết quả thành, các bên lập văn bản về kết quả hòa giải thành. Văn bản về kết quả hòa giải thành có hiệu lực thi hành đối với các bên theo quy định của pháp luật dân sự.
  • Trường hợp không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

8. Những điểm khác biệt hoặc ưu điểm của Hòa giải thương mại so với các phương thức giải quyết tranh chấp như Tòa án, Trọng tài thương mại là gì?

  • Tính bảo mật: Trong quá trình hòa giải, độc lập, vô tư, khách quan, trung thực là những yêu cầu mà Hòa giải viên phải tuân theo. Quy trình hòa giải được tiến hành bằng các phiên họp chung giữa Hòa giải viên với các bên và các phiên họp riêng giữa Hòa giải viên với từng bên. Nguyên tắc bảo mật được đặt lên hàng đầu: (i) bất kỳ thông tin nào được cung cấp bởi một bên chỉ có thể được bộc lộ cho bên kia hoặc bên thứ 3 nếu được sự đồng ý của bên cung cấp thông tin đó; (2) không có bất kỳ thông tin nào được đưa ra trong quá trình Hòa giải thương mại lại được sử dụng cho bất kỳ một mục đích nào khác, kể cả cho việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức khác như Trọng tài hay Tòa án; (iii) thành phần tham gia phiên hòa giải là rất hạn chế.
  • Sự đồng thuận về kết quả giải quyết tranh chấp giúp các bên giữ mối quan hệ tốt đẹp: Sự đồng thuận là nét khác biệt căn bản giữa Hòa giải thương mại với các phương thức khác như Trọng tài hay Tòa án. Khi tiến hành Hòa giải, Hòa giải viên không định kiến, không đưa ra phán quyết, không đưa quan điểm cá nhân ép buộc các bên phải nghe theo... Thay vào đó, Hòa giải viên nắm giữ nguyên tắc và quy trình Hòa giải để tạo điều kiện cho các bên được tự do đưa ra quan điểm của mình về vụ việc, tự do đưa ra phương án giải quyết tranh chấp của mình. Hòa giải viên đóng vai trò chính là kết nối các bên, đại sứ truyền đạt lại các thông tin nào được các bên cho phép, giúp các bên tìm được tiếng nói chung. Với cách làm này, Hòa giải thương mại đề cao vai trò của các bên trong vụ tranh chấp, tạo điều kiện để các bên tự do thỏa thuận, phát huy quyền chủ động tối đa của các bên để họ tự đi đến kết quả giải quyết tranh chấp theo mong muốn riêng của mình. Thông qua đó, Hòa giải thương mại giúp các bên giữ được mối quan hệ tốt đẹp vốn có, tiết kiệm chi phí và thời gian tham gia tố tụng.
  • Có thể chọn một phương thức giải quyết tranh chấp khác nếu việc hòa giải không thành: Nếu không đạt được kết quả hòa giải thành, các bên có quyền tiếp tục hòa giải hoặc yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. Điểm đặc biệt lưu ý rằng các thông tin, tài liệu, ý kiến, quan điểm của các bên được đưa ra trong quá trình hòa giải sẽ không được sử dụng để làm chứng cứ tại các cơ quan giải quyết tranh chấp khác sau này (nếu có). Do đó, các bên có thể hoàn toàn yên tâm việc đưa ra những đề xuất, thông tin… trong quá trình hòa giải nhằm giúp việc hòa giải sớm có kết quả tốt nhất.

Như vậy, trước đây, các doanh nghiệp khi giao kết hợp đồng thường thỏa thuận chọn Tòa án hay Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp cho mình, thì nay, các bên có thể cân nhắc thêm một sự lựa chọn nữa, đó là Hòa giải thương mại với những đặc điểm như đã nêu trên.

Nguyễn Ngọc Duy Mỹ

Công ty Luật TNHH TriLaw

Hòa Giải Viên chính thức của Trung Tâm Hòa Giải Thương Mại Quốc Tế Việt Nam (VICMC) và Hòa Giải Viên thương mại vụ việc tại Sở Tư pháp TPHCM

 

Liên hệ Trilaw