NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT CƠ BẢN GIỮA TỐ TỤNG TÒA ÁN VÀ TỐ TỤNG TRỌNG TÀI

Trong hoạt động kinh doanh thương mại, nếu có phát sinh tranh chấp mà các bên không tự hòa giải, thương lượng được với nhau thì việc một hoặc các bên đưa vụ việc tranh chấp ra cơ quan tài phán để giải quyết là cần thiết. Hiện nay, bên cạnh phương thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự tại cơ quan Tòa án (thường được áp dụng) còn có phương thức giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng trọng tài thương mại và phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại. Tuy nhiên trên thực tế, hiện phương thức giải quyết tranh chấp bằng hòa giải thương mại (cơ sở pháp lý là Nghị định số 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24/02/2017) ít được các bên lựa chọn vì một số lý do.

Trong phạm vi bài viết này, TRILAW xin tóm lược một số điểm khác nhau cơ bản giữa phương thức giải quyết tranh chấp bằng thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án (sau đây gọi tắt là “Tố tụng Tòa án”) và phương thức giải quyết tranh chấp bằng thủ tục tố tụng trọng tài thương mại (sau đây gọi tắt là “Tố tụng Trọng Tài”).     

Về tính chất pháp lý của cơ quan Tòa án, Trung tâm trọng tài

Tòa án là cơ quan Nhà nước nằm trong hệ thống cơ quan tư pháp của Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp (chủ yếu là xét xử) và khi xét xử thì nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, còn Trung tâm trọng tài là tổ chức mang tính chất xã hội - nghề nghiệp, được thành lập khi có ít nhất năm sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là Trọng tài viên đề nghị thành lập và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập.

Về thẩm quyền theo lãnh thổ và sự lựa chọn của các bên

Về thẩm quyền theo lãnh thổ, trong Tố tụng Tòa Án, thẩm quyền của Tòa án được quy định khá rõ ràng, chi tiết trong Bộ luật tố tụng dân sự và nguyên đơn chỉ được nộp đơn khởi kiện đến đúng cơ quan Tòa án đã được pháp luật quy định, ngoại trừ một số trường hợp (rất hạn chế) được Bộ luật tố tụng dân sự cho phép nguyên đơn được lựa chọn Tòa án. Ngược lại, trong Tố Tụng Trọng Tài không đặt ra vấn đề thẩm quyền về mặt lãnh thổ, các bên tranh chấp có quyền lựa chọn bất cứ Trung tâm trọng tài nào để giải quyết tranh chấp. Thông thường, việc chọn Trung tâm trọng tài nào là tùy thuộc vào uy tín của Trung tâm trọng tài đó, mức phí trọng tài mà các bên phải thanh toán và sự thuận tiện cho các bên khi tham gia tố tụng.

Trên nguyên tắc tôn trọng sự lựa chọn của các bên, trong Tố tụng Trọng Tài các bên được quyền lựa chọn Trọng tài viên (một hoặc nhiền người) để giải quyết vụ việc tranh chấp. Điều này hoàn toàn khác với Tố tụng Tòa án theo đó các bên không được quyền lựa chọn Thẩm phán mà Thẩm phán giải quyết vụ việc sẽ do lãnh đạo Tòa án phân công.

Về các giai đoạn tố tụng

Trong Tố tụng Tòa án, chế độ 02 cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm) được bảo đảm. Điều này có nghĩa rằng phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm không mặc nhiên có hiệu lực pháp luật mà có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo trình tự phúc thẩm. Ngoài ra, trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có vi phạm pháp luật hoặc có tình tiết mới theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự thì được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Ngược lại, trong Tố tụng Trọng tài, theo quy định tại Điều 4 của Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (“Luật TTTM 2010”) thì phán quyết trọng tài là chung thẩm (trừ trường hợp phán quyết trọng tài bị Tòa án tuyên hủy theo đúng quy định của pháp luật). Đây cũng là điều khác biệt cơ bản mà các bên cần đặc biệt lưu ý khi thỏa thuận chọn phương thức giải quyết tranh chấp.

Về thời gian giải quyết tranh chấp

Như trình bày ở trên, do Tố tụng Tòa án phải qua nhiều giai đoạn tố tụng như sơ thẩm, phúc thẩm và có thể là giám đốc thẩm hoặc tái thẩm nên thời gian để giải quyết dứt điểm vụ án sẽ phải kéo dài hơn rất nhiều so với Tố tụng Trọng tài. Đây cũng là lý do để các bên lựa chọn Tố tụng Trọng tài thay vì Tố tụng Tòa án.

Về địa điểm và phương thức giải quyết tranh chấp

Trong Tố tụng Tòa án, thông thường việc xét xử được thực hiện công khai tại phòng xét xử của Tòa án (ngoại trừ một số trường hợp ngoại lệ theo luật định được xét xử kín). Ngược lại, trong Tố tụng Trọng tài thì địa điểm giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận hoặc nếu không có thỏa thuận thì do Hội đồng trọng tài quyết định. Bên cạnh đó, giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Đây cũng là lý do để các bên lựa chọn phương thức Tố tụng Trọng tài thay vì Tố tụng Tòa án nhằm mục đích bảo vệ bí mật kinh doanh và hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp mình khi bắt buộc phải tham gia tố tụng. 

Về chi phí cho việc giải quyết tranh chấp

Khi nộp đơn khởi kiện cho Tòa án thì sau khi đơn kiện đã được Tòa án đồng ý tiếp nhận, nguyên đơn phải nộp tiền tạm ứng án phí của vụ kiện (hiện nay mức án phí/tạm ứng án phí được thực hiện theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội). Sau đó, khi xét xử thì Tòa án sẽ tuyên số tiền án phí mà đương sự phải chịu (theo nguyên tắc bên thua kiện hoặc bị Tòa án bác yêu cầu thì phải chịu án phí). Trong trường hợp nguyên đơn thắng kiện toàn bộ thì không phải chịu án phí và sẽ được cơ quan Thi hành án hoàn lại số tiền tạm ứng án phí đã nộp. Như vậy, nếu thắng kiện thì nguyên đơn sẽ không bị mất khoản tiền tạm ứng án phí đã nộp.

Khác với Tố tụng Tòa án, trong Tố tụng Trọng tài khi nộp đơn khởi kiện thì nguyên đơn phải nộp toàn bộ phí trọng tài cho Trung tâm trọng tài. Mức phí trọng tài do Trung tâm trọng tài quy định (Trung tâm trọng tài càng uy tín thì mức phí càng cao). Trên thực tế, mức phí trọng tài mà nguyên đơn phải nộp sẽ cao hơn nhiều so với số tiền tạm ứng án phí trong Tố tụng Tòa án.

Điều cần lưu ý là: trong Tố tụng Trọng tài khi thắng kiện thì nguyên đơn không được Trung tâm trọng tài hoàn lại phí trọng tài đã nộp mà bị đơn có trách nhiệm thanh toán lại cho nguyên đơn số tiền này. Như vậy, theo nguyên tắc này, trường hợp nguyên đơn thắng kiện nhưng phía bị đơn không có khả năng thi hành án thì xem như nguyên đơn sẽ bị mất (thêm) số tiền phí trọng tài đã nộp. Đây là điều nguyên đơn cần cân nhắc trước khi khởi kiện ra Trọng tài.      

 

Về thẩm quyền của Thẩm phán/Trọng tài viên trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ; triệu tập người làm chứng

Trong quá trình tố tụng, Thẩm phán/Trọng tài viên có thể tiến hành các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ, triệu tập người làm chứng… Tuy nhiên, tính cưỡng chế (bắt buộc phải thi hành) là có sự khác nhau giữa 02 phương thức tố tụng này. Cụ thể, trong Tố tụng Tòa án, việc cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ phải cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án là nghĩa vụ bắt buộc. Nếu cố tình vi phạm thì có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật (Điều 106 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015). Trong khi đó, tính cưỡng chế trong Tố tụng Trọng tài thì không được như vậy, và trong nhiều trường hợp, Trọng tài viên sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được thì có thể gửi văn bản đề nghị Toà án có thẩm quyền hỗ trợ (Điều 46 Luật TTTM năm 2010).

Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong quá trình tố tụng

Khi quyết định đưa vụ việc tranh chấp ra giải quyết tại Tòa án/Trung tâm trọng tài thì để đảm bảo cho việc thi hành án sau này của bị đơn, việc nguyên đơn yêu cầu Tòa án/Hội đồng trọng tài xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (“BPKCTT”) là điều hết sức cần thiết và thường được áp dụng trên thực tế.

Các BPKCTT theo quy định của Luật TTTM năm 2010 có nhiều khác biệt so với các BPKCTT theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (“BLTTDS 2015”). Cụ thể: các BPKCTT theo Luật TTTM năm 2010 mà đương sự có thể yêu cầu áp dụng bị hạn chế (ít hơn) rất nhiều so với BLTTDS 2015, đặc biệt là Luật TTTM năm 2010 không quy định BPKCTT là “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” như BLTTDS 2015 có quy định. Quy định này đã hạn chế/loại bỏ quyền của một bên (thường là nguyên đơn) trong việc yêu cầu phong tỏa tài sản của bên còn lại để đảm bảo cho việc thi hành án sau này.

Ngoài ra, trong Tố tụng Trọng tài, nếu muốn nộp đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT cho Hội đồng trọng tài thì đương sự chỉ có thể nộp đơn sau khi Hội đồng trọng tài đã được thành lập. Quy định này vô hình chung đã hạn chế đi rất nhiều tính hiệu quả của việc áp dụng BPKCTT vì khi đó, tính cấp bách và bất ngờ của việc áp dụng BPKCTT sẽ không còn ý nghĩa trên thực tế.

Tác giả: ls. Trần Trung Thi - Luật sư Thành viên tại TriLaw

 

Liên hệ Trilaw