PHÁP LUẬT CHỐNG LẠM DỤNG VỊ TRÍ THỐNG LĨNH ĐỂ HẠN CHẾ CẠNH TRANH VỀ GIÁ

Nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm qua đã có sự tăng trưởng nhanh, vì vậy Việt Nam đã thu hút nguồn vốn đầu tư lớn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Mỗi năm có hàng chục nghìn doanh nghiệp mới được thành lập và hoạt động đa dạng trên tất cả lĩnh vực. Trong một nền kinh tế tiềm năng nhưng cũng đầy thách thức, để có thể tồn tại và phát triển, doanh nghiệp cần có các chiến lược cạnh tranh hiệu tranh hiệu quả và lành mạnh để có thể giữ vững thị phần đang có và cạnh tranh mở rộng thị phần. Chính sách pháp luật đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy sự tăng trưởng nền kinh tế, tạo một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các các doanh nghiệp và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Pháp luật về cạnh tranh chính là nền tảng pháp lý vững chắc để bảo vệ doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng.

Trong quá trình hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trên thị trường sẽ có nhiều ưu thế hơn trong cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Vì vậy, pháp luật về cạnh tranh có những quy định để chống lại việc các doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh của mình để hạn chế việc cạnh tranh. Để giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định này, TriLaw trình bày một số vấn đề pháp lý liên quan đến nội dung “Pháp luật về chống lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá”.

  1. Cơ sở pháp lý:
  1. Khái niệm

Theo Luật Cạnh Tranh 2004, hành vi “lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá” là một hành vi hạn chế cạnh tranh, định nghĩa rõ hơn là “hành vi của doanh nghiệp làm giảm, sai lệch, cản trở cạnh tranh trên thị trường, bao gồm hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền và tập trung kinh tế”. Như vậy, để hiểu rõ hơn về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá, chúng ta cần hiểu rõ một số khái niệm sau:

 “Vị trí thống lĩnh thị trường”: Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể.” và nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu cùng hành động nhằm gây hạn chế cạnh tranh và thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;
  • Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;
  • Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.

Để xác định được vị trí thống lĩnh thị trường của một doanh nghiệp, một nhóm doanh nghiệp chúng ta cần xem xét hai yếu tố: Thị trường liên quan và thị phần.

 “Thị trường liên quan” được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan. Mang hàm ý về một ranh giới xác định của nhóm người mua và bán một loại hàng hóa cụ thể. Thị trường này bao gồm tất cả các hàng hóa, dịch vụ có khả năng thay thế cho nhau một cách hợp lí và các đối thủ cạnh tranh kế cận, mà người tiêu dùng có thể chuyển sang trong ngắn hạn nếu có sự hạn chế hoặc tăng giá một cách lạm dụng, cụ thể:

  • Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
  • Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.

Chỉ khi xác định được rằng các hàng hóa, dịch vụ này là có thể thay thế cho nhau, khi đó mới có thể khẳng định các doanh nghiệp có phải là đối thủ cạnh tranh với nhau.

 

 “Thị phần” của doanh nghiệp đối với một loại hàng hoá, dịch vụ nhất định là tỷ lệ phần trăm giữa doanh thu bán ra của doanh nghiệp này với tổng doanh thu của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan hoặc tỷ lệ phần trăm giữa doanh số mua vào của doanh nghiệp này với tổng doanh số mua vào của tất cả các doanh nghiệp kinh doanh loại hàng hoá, dịch vụ đó trên thị trường liên quan theo tháng, quý, năm.

Khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể” được xác định dựa vào: Năng lực tài chính, năng lực công nghệ, quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp và quy mô của mạng lưới phân phối.

  1. Các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để cạnh tranh về giá

Như chúng ta thường biết, giá của sản phẩm, dịch vụ thường phụ thuộc vào quy luật cung – cầu trên thị trường liên quan. Mỗi doanh nghiệp sẽ có chiến lược về giá riêng của mình phụ thuộc vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp và tương quan cạnh tranh trên thị trường.

Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá là hành một doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường áp dụng mức giá bất hợp lý cho sản phẩm, dịch vụ nhằm vào hai mục đích sau: củng cố vị trí thống lĩnh thị trường và trục lợi khách hàng. Hành vi củng cố vị trí thống lĩnh thị trường là những hành vi mà doanh nghiệp áp dụng chính sách về giá để tiêu diệt đối thủ cạnh tranh và tạo ra các rào cản tư để duy trì sức mạnh thị trường. Hành vi trục lợi khách hàng là những hành vi của doanh nghiệp áp đặt những điều kiện thương mại bất lợi với khách hàng nhằm thu lợi nhuận độc quyền.

Nhóm hành vi nhằm củng cố vị trí thống lĩnh thị trường bao gồm: hành vi định giá loại bỏ, hành vi định giá ngăn cản và hành vi phân biệt giá.

Theo đó, bản chất của hành vi định giá loại bỏ là là việc doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh bán hàng giá thấp để loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Hành vi định giá loại bỏ có hai đặc điểm sau:

  • Giá bán hàng hóa dịch vụ phải thấp hơn giá thành toàn bộ;
  • Mục đích của doanh nghiệp là loại bỏ doanh nghiệp cạnh tranh ra khỏi thị trường liên quan.

Hành vi định giá ngăn cản: hành vi của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh bán hàng hóa với mức giá đủ để đối thủ cạnh tranh mới không thể gia nhập thị trường nhưng không thuộc trường hợp ấn định giá loại bỏ. Sự khác biệt giữa hai hành vi này chỉ là mức giá mà doanh nghiệp ấn định. Nếu như trong hành vi định giá loại bỏ, mức giá doanh nghiệp ấn định phải thấp hơn giá thành toàn bộ thì trong hành vi định giá ngăn cản, mức giá mà doanh nghiệp ấn định là mức giá chỉ nhằm tạo nên trở lực không cho doanh nghiệp mới tham gia thị trường.

Hành vi phân biệt giá là hành vi phân biệt đối xử đối với các doanh nghiệp về giá cả trong những giao dịch mua, bán háng hóa, dịch vụ tương tự về mặt giá trị hoặc tính chất hàng hoá, dịch vụ để đặt một hoặc một số doanh nghiệp vào vị trí cạnh tranh có lợi hơn so với doanh nghiệp khác.

Như vậy ta có thể thấy rằng, chủ thể chịu thiệt hại của nhóm hành vi cố vị trí thống lĩnh thị trường là các doanh nghiệp khác, bao gồm cả doanh nghiệp đang tồn tại và doanh nghiệp sắp gia nhập vào thị trường nhằm ngăn cản doanh nghiệp khác mở rộng sản xuất, tham gia thị trường đến hủy diệt đối thủ.

Nhóm hành vi mang tính bóc lột bao gồm: Sản xuất ít hơn và áp đặt giá mua, bán hàng hóa dịch vụ bất hợp lý hoặc định giá bán lại tối thiểu gây thiệt hại cho khách hàng. Doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh sẽ mua hàng vào với mức giá quá thấp và/hoặc bán hàng với mức giá quá cao hoặc ấn định mức giá bán lại đối với sản phẩm, dịch vụ của mình. Như vậy ta có thể thấy chủ thể chịu thiệt hại khi doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thực hiện hành vi này là khách hàng của doanh nghiệp. Tại Việt nam, bóng dáng của hành vi mua hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý gây thiệt hại cho khách hàng đầy rẫy trong các trang viết của báo chí và các phương tiện truyền thông. Điệp khúc “được mùa mất giá” dường như là câu chuyện muôn thuở. Việc mua giá thấp đối với các mặt hàng như muối, thủy sản, trái cây được lặp đi lặp lại từ rất lâu, kể cả khi luật cạnh tranh đã có hiệu lực.

Có thể thấy rằng đầu tiên nhóm hành vi củng cố vị trí thông lĩnh thị trường thường sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng, tuy nhiên các hành vi này của doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh liên quan chặc chẽ đến nhóm hành vi trục lợi khách hàng. Sau khi mục đích loại bỏ đối thủ đã đạt được, doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh sẽ tăng giá để bù đắp cho các thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu trong thời gian tiến hành chiến lược loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

  1. Quy định về xử phạt

Để chống lại các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá, pháp luật về cạnh tranh đã có những quy định để xử phạt những doanh nghiệp có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá, cụ thể các hình thức xử phạt như sau:

  • Phạt tiền đến 10% tổng doanh thu trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp;
  • Tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm;
  • Buộc loại bỏ những điều khoản vi phạm pháp luật ra khỏi hợp đồng hoặc giao dịch kinh doanh liên quan;
  • Buộc cơ cấu lại doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường.

Pháp luật cạnh tranh quy định rõ ràng về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh để cạnh tranh về giá để hạn chế cạnh tranh và các biện pháp để chống lại hành vi này. Vì vậy, trong quá trình hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp cần lưu ý để kinh doanh đúng pháp luật và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nguồn: TriLaw.com.vn

 

Liên hệ Trilaw