Sự hợp lý của việc không yêu cầu gắn “mào” cho xe taxi công nghệ

Tại dự thảo lần thứ 10 sửa đổi Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô mới nhất do Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ (đang được lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong nhân dân) đã bỏ quy định mà các dự thảo trước có nêu: bắt buộc phải có hộp đèn mang dòng chữ "taxi điện tử" gắn trên nóc xe - còn gọi là gắn "mào" trên nóc xe giống xe taxi truyền thống. Thay vào đó, Bộ đề xuất dán logo phản quang cho xe taxi công nghệ.

Việc gắn mào cho xe taxi công nghệ có thể giúp cho cơ quan chức năng, người dân có thể phân biệt dễ dàng đâu là xe taxi công nghệ, đâu là xe taxi truyền thống và đâu không phải là xe taxi. Việc phân biệt này giúp rất nhiều cho cơ quan chức năng trong công tác quản lý, nhất là kiểm soát xe vào khu vực đường cấm taxi. Tuy nhiên, nhằm để dung hòa các lợi ích, yêu cầu khác nhau từ nhà nước, từ người kinh doanh và từ xã hội, theo chúng tôi, vẫn có thể quản lý xe taxi công nghệ bằng nhiều cách khác mà không cần phải bằng cách gắn mào xe.

Bài viết này bàn về tính hợp lý của việc không yêu cầu gắn mào cho xe taxi công nghệ trong dự thảo lần thứ 10 sửa đổi Nghị định 86/2014.  

Luật gia Nguyễn Ngọc Duy Mỹ chia sẻ quan điểm với Đài truyền hình HTV.

 

1. Dự thảo lần 10 sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP: không quy định gắn mào cho xe taxi công nghệ: một thay đổi hợp lý ​

Xe dịch vụ chở khách đặt qua ứng dụng công nghệ (như Grab, Be, FastGo,…), tạm gọi là xe “taxi công nghệ” hiện đang hoạt động mà hầu như không có dấu hiệu ngoại quan nào để dễ phân biệt với xe taxi truyền thống như hộp đèn trên nóc xe, số điện thoại gọi xe bên hai cánh cửa xe, màu sơn đặc trưng của công ty … Nhìn cảm quan thì xe taxi công nghệ gần như không khác gì với xe gia đình, xe không kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, thời gian qua, có nhiều ý kiến về việc nên hay không nên gắn mào cho xe taxi công nghệ. Chúng tôi ủng hộ việc không quy định gắn mào cho loại xe này dựa trên ba góc độ: góc độ kinh tế, góc độ quản lý và góc độ lợi ích xã hội.

2. Góc độ kinh tế

Xe taxi công nghệ có thể là xe của người dân sử dụng hàng ngày nhưng dùng kinh doanh chở khách khi nhàn rỗi, tất nhiên là trong số những xe đang hoạt động cũng có xe được mua mới chỉ nhằm để chạy dịch vụ này, nhưng họ vẫn dùng xe đó trong sinh hoạt gia đình khi không kinh doanh. Đó là một hình thức của kinh tế chia sẻ mà nước ta và nhiều nước đang có chủ trương thúc đẩy. Hình thức này giúp giảm nhu cầu xã hội đầu tư vào phương tiện mới, đồng thời tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho lái xe, giúp giảm kẹt xe, giảm chỗ đậu xe, giảm bớt xe trống chạy nhiều trên đường… Với sự kết hợp vừa kinh doanh vừa sử dụng cho nhu cầu cá nhân, gia đình như thế (mà không chỉ chuyên dùng để kinh doanh như xe taxi truyền thống) nên việc gắn mào cố định trên nóc xe có thể là gây nhiều khó khăn, bất tiện cho những xe theo mô hình kinh tế chia sẻ, có thể làm giảm số lượng xe chạy theo mô hình này, từ đó, làm giảm hiệu quả của mô hình kinh tế chia sẻ này.

3. Góc độ quản lý

Chúng tôi đồng ý rằng nhà nước cần quản lý theo hướng công bằng tất các loại hình kinh doanh vận tải. Tuy nhiên, việc quản lý có thể được thực hiện bằng nhiều công cụ khác nhau để đạt được sự công bằng mà không nhất thiết phải bằng việc gắn mào như xe taxi truyền thống. Hiện nay, nhà nước đã có nhiều công cụ quản lý loại hình taxi công nghệ như đăng ký, đăng kiểm, gắn phù hiệu cho xe… Để làm rõ, xin đưa ra ví dụ về những yêu cầu để một xe ô tô cá nhân đã có biển số xe được hoạt động chở khách bằng ứng dụng gọi xe Grab. Yêu cầu và trình tự này cũng tương tự như ở các ứng dụng gọi xe khác. Cụ thể như sau:

a. Đăng kiểm kinh doanh:  Xe phải được đăng kiểm với hình thức đăng kiểm kinh doanh, có nhiều hạng mục kiểm tra khác với đăng kiểm xe gia đình thông thường, thời hạn cho mỗi lần tái đăng kiểm cũng ngắn hơn xe thông thường.Đặc biệt, khi đăng kiểm kinh doanh thì xe phải có gắn thiết bị giám sát hành trình (thường gọi là hộp đen định vị) đúng tiêu chuẩn. Phí duy trì hộp đen này là khoảng 1 triệu đồng/năm.

b. Đăng ký là thành viên của 1 Hợp tác xã đã được cấp phép kinh doanh vận tải: Được biết, ví dụ như Grab, hãng này đưa ra danh sách khoảng 40 Hợp tác xã vận tải mà họ chấp nhận nếu xe của những Hợp tác xã này đăng ký hoạt động chạy Grab. Để được chấp thuận vào Hợp tác xã vận tải, cần phải đáp ứng ít nhất các điều kiện:

  • Tài xế có giấy khám sức khỏe phù hợp, không phải là người đang bị cấm hành nghề theo quy định của pháp luật;
  • Xe đã đăng kiểm kinh doanh phù hợp;
  • Xe có hợp đồng và biên bản nghiệm thu đã gắn hộp đen định vị với Công ty có chức năng kinh doanh và thi công hộp đen.
  • Thông thường thì chủ xe phải đóng phí thành viên cho Hợp tác xã mỗi năm là khoảng 1 triệu đồng.

c. Đăng ký để được cấp phù hiệu hoạt động kinh doanh vận tải taxi: Đơn vị kinh doanh vận tải phải gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị cấp phù hiệu đến Sở Giao thông vận tải nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh. Ngoài Giấy đề nghị theo mẫu, hồ sơ còn phải có: (x) Bản sao kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy đăng ký xe ô tô và hợp đồng dịch vụ giữa thành viên và Hợp tác xã và (y) Cung cấp tên Trang thông tin điện tử, tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào thiết bị giám sát hành trình của các xe đề nghị cấp phù hiệu. Khi đáp ứng các yêu cầu này thì Sở Giao thông vận tải sẽ cấp phù hiệu cho những xe đó hoạt động kinh doanh vận tải.

d. Tập huấn về kinh doanh vận tải: Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP thì lái xe kinh doanh vận tải phải được tập huấn về nghiệp vụ và các quy định của pháp luật đối với hoạt động vận tải. Nội dung tập huấn là theo tài liệu và chương trình khung do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành. Do đó, trước khi chính thức hoạt động taxi công nghệ, những tài xế taxi công nghệ phải trải qua khóa tập huấn về kinh doanh vận tải.

e. Đăng ký hoạt động với Grab: Để đăng ký hoạt động với Grab, lái xe nêu trên phải có xác nhận lý lịch tư pháp phù hợp, phải chứng minh đã được chấp thuận đăng ký ở một Hợp tác xã trong danh sách của họ. Từ ví dụ trên, chúng tôi cho rằng xe taxi công nghệ đã được quản lý qua nhiều giai đoạn. Hơn nữa, như đã nêu, Sở Giao thông vận tải cấp phù hiệu cho từng xe chỉ khi xe đó đã được lắp thiết bị giám sát hành trình. Như vậy, trong chừng mực nhất định, Sở Giao thông vận tải hoàn toàn có thể biết rõ hoạt động của từng xe, hành trình của xe, tốc độ của xe vào bất kỳ thời điểm nào. Bên cạnh đó, công tác quản lý của Nhà nước bao gồm rất nhiều hoạt động, tuy nhiên, việc gắn mào cho xe phục vụ chủ yếu cho mục đích phân biệt, ví dụ như giúp Cảnh sát giao thông nhận biết xe taxi công nghệ, xử lý vi phạm khi cần thiết khi xe đi vào đường cấm xe taxi. Với mục đích này, Nhà nước hoàn toàn có thể dùng một biện pháp dung hòa, ví dụ như là cách mà giới tài xế taxi công nghệ gợi ý là gắn đèn led nhỏ trên xe, linh động, có thể tắt hay gập xuống dễ dàng khi xe họ không đang hoạt động kinh doanh.

f. Góc độ lợi ích của xã hội

Việc gắn mào có thể giúp người dân nhận diện dễ dàng đâu là xe taxi công nghệ để sử dụng khi cần thiết hoặc để phục vụ các nhu cầu riêng của mình. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng mục đích tốt đẹp này không thực sự cần thiết. Thực vậy, với xe taxi công nghệ, khách hoàn toàn không cần nhìn vào dấu hiệu là mào trên xe để nhận biết chiếc xe mà mình cần gọi. Loại hình taxi truyền thống có lợi thế là họ có hộp đèn, khách có nhu cầu rất dễ dàng nhận ra xe taxi và bắt xe ngẫu nhiên trên đường mà không cần thông qua bất kỳ ứng dụng nào. Ở khía cạnh này, hộp đèn như là một công cụ quảng cáo của xe taxi truyền thống. Nhưng với xe công nghệ, khách chỉ có thể gọi xe qua ứng dụng, tài xế cũng không được phép đón khách ngẫu nhiên trên đường. Khi gọi xe, khách có đầy đủ thông tin cơ bản của tài xế, số xe, loại xe, màu xe… và khi xe đến, họ đối chiếu với thông tin trên ứng dụng để lên xe đã đặt. Đối với những người khi không dùng xe taxi công nghệ, việc nhận diện xe nào là xe taxi công nghệ hay không phải là taxi công nghệ dường như không thực sự cần thiết.   

g. Nếu không gắn mào thì có thể làm thế nào để phân biệt?

Như đã phân tích, việc gắn mào chủ yếu là để nhằm mục đích phân biệt. Để phục vụ cho mục đích phân biệt mà vẫn dung hòa được lợi ích của các bên: Nhà nước, người kinh doanh và xã hội, Nhà nước không cần bắt buộc gắn hộp đèn cố định trên nóc xe taxi công nghệ, mà thay vào đó, dán logo phản quang như Bộ Giao thông vận tải đang đề xuất là rất hợp lý. Tuy nhiên, cần nghiên cứu loại logo thế nào mà có thể nhìn thấy được cả ban ngày lẫn ban đêm. Hoặc xem xét đề xuất mà giới tài xế taxi công nghệ gợi ý là: gắn một đèn nhỏ bên trong xe, với kiểu dáng thống nhất, linh động mà tài xế có thể tắt hay gập lại, cất đi khi xe không hoạt động kinh doanh. Điều quan trọng là nên cân nhắc sao cho việc gắn thêm logo hay đèn phải có chi phí thấp, tránh gây thêm khó khăn người kinh doanh chân chính. Một lưu ý nữa là, nếu quy định là gắn đèn thì cần phòng trường hợp đèn đó bị tắt, cất đi… (dù vẫn đang hoạt động kinh doanh) nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Khi đó, cần thiết kiểm tra ngẫu nhiên hoặc hậu kiểm, tuy nhiên cần làm sao để không phiền đến xe dân dụng.

h. Để quản lý công bằng, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các loại hình kinh doanh vận tải: Nhà nước cần dùng thêm các quy định khác

Nhà nước nên thừa nhận tính đặc thù của từng mô hình kinh doanh vận tải cụ thể. Với sự tồn tại nhiều mô hình kinh doanh, mục tiêu quản lý công bằng, cạnh tranh lành mạnh có thể đạt được thông qua nhiều công cụ khác nhau như chính sách thuế công bằng, chính sách đăng kiểm công bằng, chính sách về bồi thường thiệt hại cho hành khách, yêu cầu riêng đối với tài xế lái xe kinh doanh… Đặc biệt, do chưa thừa nhận Công ty cung cấp ứng dụng đặt xe là loại hình kinh doanh vân tải bằng taxi nên hiện có sự quy định rất khác nhau về chính sách thuế giữa kinh doanh taxi truyền thống và taxi công nghệ, điều đó dẫn đến sự cạnh tranh thiếu công bằng, tạo tâm lý tiêu cực trong giới kinh doanh vận tải taxi truyền thống.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần làm rõ mối quan hệ giữa Công ty quản lý ứng dụng đặt xe với tài xế xe công nghệ và với Hợp tác xã vận tải mà tài xế đó là thành viên. Bởi hiện nay, tài xế không thể đăng ký trực tiếp với Công ty quản lý ứng dụng đặt xe nếu họ không là thành viên của Hợp tác xã vận tải đó. Vậy người tài xế đó là một đối tác của hãng quản lý App hay Hợp tác xã là đối tác? Lưu ý rằng quan hệ giữa Công ty quản lý ứng dụng đặt xe với tài xế xe ô tô công nghệ là khác với quan hệ của những Công ty này với tài xế xe ôm, bởi tài xế xe ôm là đăng ký trực tiếp với ty quản ký App mà không cần thông qua bất kỳ Hợp tác xã vận tải nào.

Đa dạng hóa các dịch vụ vận tải không chỉ có lợi cho người dân, cho người kinh doanh, mà còn có lợi cho Nhà nước và toàn xã hội. Tuy nhiên, để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, việc quản lý công bằng, minh bạch giữa các hình thức kinh doanh vận tải vẫn luôn là điều cần thiết.

Luật gia Nguyễn Ngọc Duy Mỹ

Công ty Luật TNHH TRILAW

Liên hệ Trilaw