Chuyên mục Tư vấn pháp luật đầu tư Quyền lợi của nhà đầu tư theo Luật Đầu tư 2014
Tại chuyên mục tư vấn pháp luật đầu tư lần này, thông qua chia sẻ của mình, TriLaw mong có thể giúp nhà đầu tư nắm được các quyền lợi của mình theo quy định tại Luật Đầu tư 2014.
I. Khái niệm “Nhà đầu tư” là gì?
Nhà đầu tư được hiểu là tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, bao gồm nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó:
- Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
- Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
- Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
II. Quyền lợi của nhà đầu tư:
1. Quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh:
Theo các luật sư chuyên tư vấn pháp luật đầu tư của TriLaw, Điều 5 Luật Đầu tư 2014 đã khẳng định quyền tự chủ đầu tư, kinh doanh là quyền cơ bản của nhà đầu tư:
- Nhà đầu tư được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm.
- Nhà đầu tư được tự chủ quyết định hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
Do đó, lựa chọn ngành nghề đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, địa bàn, quy mô đầu tư, đối tác đầu tư và thời hạn hoạt động của dự án được pháp luật Việt Nam đề cao và bảo vệ, mang lại cho nhà đầu tư sự tự do, tự chủ đầu tư kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Nhà đầu tư được phép kinh doanh một hoặc nhiều ngành nghề; thành lập doanh nghiệp; tự quyết định về hoạt động đầu tư, kinh doanh đã đăng ký. Đối với các ngành nghề đầu tư có điều kiện, nhà đầu tư có quyền tự chủ nếu đáp ứng đủ các điều kiện mà pháp luật quy định.
2. Quyền tiếp cận và sử dụng nguồn vốn:
- Luật Đầu tư 2014 cũng quy định nhà đầu tư có quyền tiếp cận, sử dụng nguồn vốn qua các quy định:
- Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
- Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế liên quan đến đầu tư kinh doanh mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
- Nhà đầu tư có quyền lựa chọn các hình thức đầu tư theo quy định pháp luật.
3. Quyền xuất khẩu, nhập khẩu, quảng cáo, tiếp thị, gia công và gia công lại liên quan đến hoạt động đầu tư:
Theo quy định của Luật Đầu tư 2014 và Luật Doanh nghiệp 2014, nhà đầu tư có quyền:
- Trực tiếp xuất khẩu, uỷ thác xuất khẩu; trực tiếp nhập khẩu, ủy thác nhập khẩu thiết bị, máy móc, vật tư, nguyên liệu và hàng hoá cho hoạt động đầu tư; quảng cáo, tiếp thị, gia công và gia công lại hàng hoá liên quan đến hoạt động đầu tư theo quy định tại Điều 15 của Luật Đầu tư và quy định của pháp luật về thương mại.
- Đầu tư trong lĩnh vực nhập khẩu, xuất khẩu, phân phối và dịch vụ thương mại khác phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về thương mại và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Quyền chuyển nhượng vốn và dự án đầu tư:
Theo các luật sư chuyên tư vấn pháp luật đầu tư, Nghị định 118/2015/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2014 đã quy định chi tiết về điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng, điểu chỉnh vốn, dự án đầu tư. Trường hợp chuyển nhượng có phát sinh lợi nhuận thì bên chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế.
5. Quyền cho thuê, sử dụng lao động và thành lập tổ chức công đoàn:
Theo đó, nhà đầu tư có quyền:
- Thuê lao động trong nước, lao động nước ngoài làm công việc quản lý, lao động kỹ thuật và chuyên gia theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của điều ước quốc tế đó;
- Quyết định về tiền lương và mức lương tối thiểu của người lao đông theo quy định của pháp luật về lao động;
- Thành lập tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
6. Quyền được bảo đảm sở hữu tài sản và bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh:
Điều 9 và Điều 10 Luật Đầu tư 2014 quy định quyền được bảo đảm sở hữu tài sản và bảo đảm hoạt động đầu tư kinh doanh như sau:
- Tài sản hợp pháp của nhà đầu tư không bị quốc hữu hóa hoặc bị tịch thu bằng biện pháp hành chính;
- Trường hợp Nhà nước trưng mua, trưng dụng tài sản vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai thì nhà đầu tư được thanh toán, bồi thường theo quy định của pháp luật về trưng mua, trưng dụng tài sản và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Nhà nước không bắt buộc nhà đầu tư phải thực hiện những yêu cầu sau đây:
- Ưu tiên mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước hoặc phải mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ trong nước;
- Xuất khẩu hàng hóa hoặc dịch vụ đạt một tỷ lệ nhất định; hạn chế số lượng, giá trị, loại hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu hoặc sản xuất, cung ứng trong nước;
- Nhập khẩu hàng hóa với số lượng và giá trị tương ứng với số lượng và giá trị hàng hóa xuất khẩu hoặc phải tự cân đối ngoại tệ từ nguồn xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu;
- Đạt được tỷ lệ nội địa hóa đối với hàng hóa sản xuất trong nước;
- Đạt được một mức độ hoặc giá trị nhất định trong hoạt động nghiên cứu và phát triển ở trong nước;
- Cung cấp hàng hóa, dịch vụ tại một địa điểm cụ thể ở trong nước hoặc nước ngoài;
- Đặt trụ sở chính tại địa điểm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chính sách quản lý ngoại hối và khả năng cân đối ngoại tệ trong từng thời kỳ, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và những dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng khác.
Trên đây là 6 quyền lợi cơ bản của nhà đầu tư. TriLaw hy vọng Chuyên mục tư vấn pháp luật đầu tư kỳ này có thể giúp nhà đầu tư hiểu về các quyền lợi của mình. Mọi thắc mắc và câu hỏi xin vui lòng ghi nhận phía dưới hoặc liên hệ qua số hotline của TriLaw: (84.28) 35 210 217 hoặc email info@trilaw.com.vn để nhận tư vấn trực tiếp.