VĂN BẢN KỲ 02/2019

BẢN TIN VĂN BẢN MỚI

Một số quy định mới được ban hành tính đến ngày 20 tháng 03 năm 2019

  1. Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh
  2. Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự
  3. Hướng dẫn của Tòa án tối cao về lãi, lãi suất, phạt vi phạm
  4. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tối đa 50 năm
  5. Điều kiện cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
  6. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP

NỘI DUNG CHÍNH CỦA VĂN BẢN

  1. Thay thế toàn bộ biểu mẫu đăng ký kinh doanh

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.

Theo đó, toàn bộ biểu mẫu đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh được ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT sẽ được thay thế bởi biểu mẫu mới theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT.

Một số biểu mẫu điển hình được thay thế như:

  • Mẫu Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty cổ phần, công ty hợp danh…
  • Mẫu Thông báo và các văn bản khác do doanh nghiệp phát hành: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật…

​​​Các mẫu văn bản này được sử dụng thống nhất trên phạm vi toàn quốc từ ngày 11/03/2019.

  1. Môi giới con nuôi dưới 16 tuổi có thể bị xử lý hình sự

Theo Nghị quyết 02/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 150 về tội mua bán người và Điều 151 về tội mua bán người dưới 16 tuổi của Bộ luật Hình sự, hành vi môi giới con nuôi dưới 16 tuổi thuộc các trường hợp sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi:

  • Biết mục đích của người nhận nuôi con nuôi dưới 16 tuổi là để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể, bán cho người khác hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác nhưng vẫn chuyển giao nạn nhân để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.
  • Lợi dụng việc cho nhận con nuôi để tiếp nhận con nuôi là người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể…

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.

  1. Hướng dẫn của Tòa án tối cao về lãi, lãi suất, phạt vi phạm

Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm.

Nghị quyết này hướng dẫn cụ thể về:

  • Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng;
  • Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 1995;
  • Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 2005;
  • Xác định lãi, lãi suất trong hợp đồng vay tài sản không phải là hợp đồng tín dụng thuộc trường hợp áp dụng Bộ luật Dân sự 2015;
  • Xác định thời điểm xét xử sơ thẩm và thời gian chậm trả;
  • Áp dụng pháp luật về lãi, lãi suất trong hợp đồng tín dụng;
  • Xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 305 của Bộ luật Thương mại 2005…

Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.

                                                    

  1. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn nước ngoài hoạt động tối đa 50 năm

Nghị định 15/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp. 

Trong đó, thời hạn hoạt động nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không quá 50 năm, tính từ ngày quyết định cho phép thành lập. Trường hợp cơ sở cần có thời gian hoạt động dài hơn thì phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định này còn quy định cụ thể về việc chia, tách, sáp nhập, giải thể, đổi tên cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; chấm dứt họat động phân hiệu của trường trung cấp, cao đẳng có vốn đầu tư nước ngoài…

 

  1. Điều kiện cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán

Nghị định 16/2019/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, quy định về điều kiện về nhân sự để tổ chức được phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Nghị định 101/2012/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung như sau:

  • Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đề nghị cấp phép phải có bằng đại học hoặc có ít nhất 03 năm làm việc trực tiếp tại một trong các lĩnh vực: quản trị kinh doanh, kinh tế, tài chính, ngân hàng, luật.
  • Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các cán bộ chủ chốt thực hiện Đề án cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải có bằng cao đẳng trở lên về một trong các lĩnh vực: kinh tế, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm.

 

  1. Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định CPTPP

Theo Thông tư 03/2019/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương thì hàng hóa được coi là có xuất xứ nếu hàng hóa đó:

  • Có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;
  • Được sản xuất toàn bộ chỉ từ nguyên liệu có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên;
  • Được sản xuất toàn bộ từ nguyên liệu không có xuất xứ tại lãnh thổ của một hay nhiều nước thành viên với điều kiện hàng hóa đó đáp ứng tất cả các quy định tương ứng tại Phụ lục I của Thông tư này;

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 08/03/2019.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Liên hệ Trilaw