Cần chuẩn bị những gì để thành lập doanh nghiệp đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014?

I. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 theo loại hình doanh nghiệp

Luật Doanh nghiệp 2014 đã quy định: Người thành lập doanh nghiệp được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước và trong quá trình đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp được thành lập thì doanh nghiệp phải tiếp tục thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác. Trường hợp doanh nghiệp không được đăng ký thành lập thì người ký kết hợp đồng chịu trách nhiệm hoặc người thành lập doanh nghiệp liên đới chịu trách nhiệm thực hiện hợp đồng đó.

Để tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp thì các cá nhân, tổ chức dự định thành lập phải chuẩn bị các hồ sơ, giấy tờ tùy theo từng hình thức doanh nghiệp, cụ thể như sau:

1. Doanh nghiệp tư nhân:

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của doanh nghiệp tư nhân bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân.

​2. Công ty hợp danh:

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty hợp danh bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên;
  • Bản sao Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên;
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

3. Công ty trách nhiệm hữu hạn:

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty trách nhiệm hữu hạn bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên;
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:
  • Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các thành viên là cá nhân;
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức. Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

4. Công ty cổ phần:

Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp của công ty cổ phần bao gồm:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  • Điều lệ công ty.
  •  Danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài.
  • Bản sao các giấy tờ sau đây:
  • Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của các cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức. Đối với cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư.

II. Trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014

Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức tiến hành thủ tục đăng ký theo trình tự sau:

  • Người thành lập doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo quy định cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;
  • Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho người thành lập doanh nghiệp biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Những quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan trong cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, đăng ký lao động, bảo hiểm xã hội và đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử được quy định trong các Nghị định của Chính phủ.

III. Những lưu ý trong việc đặt tên doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014

1. Quy định về đặt tên theo Luật Doanh nghiệp 2014

  • Tên tiếng Việt của doanh nghiệp bao gồm hai thành tố theo thứ tự sau đây:
  • Loại hình doanh nghiệp: Tên loại hình doanh nghiệp được viết là “công ty trách nhiệm hữu hạn” hoặc “công ty TNHH” đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; được viết là “công ty cổ phần” hoặc “công ty CP” đối với công ty cổ phần; được viết là “công ty hợp danh” hoặc “công ty HD” đối với công ty hợp danh; được viết là “doanh nghiệp tư nhân”, “DNTN” hoặc “doanh nghiệp TN” đối với doanh nghiệp tư nhân;
  • Tên riêng: Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.
  • Tên doanh nghiệp phải được gắn tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp phải được in hoặc viết trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do doanh nghiệp phát hành.
  • Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền từ chối chấp thuận tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp nếu không đúng với quy định về đặt tên của doanh nghiệp.

2. Tên trùng và tên gây nhầm lẫn không được chấp nhận theo Luật Doanh nghiệp 2014:

  • Tên trùng là tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được viết hoàn toàn giống với tên tiếng Việt của doanh nghiệp đã đăng ký.
  • Các trường hợp sau đây được coi là tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký:
  1. Tên tiếng Việt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký được đọc giống như tên doanh nghiệp đã đăng ký;
  2. Tên viết tắt của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên viết tắt của doanh nghiệp đã đăng ký;
  3. Tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đề nghị đăng ký trùng với tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp đã đăng ký;
  4. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi một số tự nhiên, số thứ tự hoặc các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt và các chữ cái F, J, Z, W ngay sau tên riêng của doanh nghiệp đó;
  5. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi ký hiệu “&”, “.”, “+”, “-”, “-”;
  6. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “tân” ngay trước hoặc “mới” ngay sau hoặc trước tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký;
  7. Tên riêng của doanh nghiệp đề nghị đăng ký chỉ khác với tên riêng của doanh nghiệp cùng loại đã đăng ký bởi từ “miền Bắc”, “miền Nam”, “miền Trung”, “miền Tây”, “miền Đông” hoặc từ có ý nghĩa tương tự.
  8. Tên riêng của doanh nghiệp trùng với tên riêng của doanh nghiệp đã đăng ký.

Các trường hợp d, e, f và g nêu trên không áp dụng đối với trường hợp công ty con của công ty đã đăng ký.

Trên đây là những quy định cơ bản để các cá nhân, tổ chức chuẩn bị cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác liên  quan đến việc thành lập doanh nghiệp cần được hiểu rõ như: khi bị từ chối hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cần phải xử lý như thế nào, những thủ tục tiếp theo cần được thực hiện để tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi đã đăng ký doanh nghiệp xong v.v. Do đó, để được tư vấn rõ ràng các thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp và thủ tục sau đăng ký, bạn hãy liên hệ trực tiếp cho TriLaw qua số hotline (84.28) 35 210 217/ 0903 068 684  hoặc email info@trilaw.com.vn.

 

 

 

 

Liên hệ Trilaw